Học sinh lớp 10 sẽ không phải học Lịch sử hay Vật lý nếu không muốn, nhưng có thể chọn thêm Âm nhạc và Mỹ thuật.
Cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, chia làm hai giai đoạn gồm Giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Chương trình này, triển khai từ năm học 2022-2023, sẽ thay thế chương trình hiện hành đã áp dụng từ 2006.
Ở chương trình hiện hành, học sinh phải học 17 môn và hoạt động giáo dục (tính cả môn tự chọn là 18). Còn với chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.
Theo đó, các em phải học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các em chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Đây là điểm mới hoàn toàn so với hiện tại, với định hướng nghề nghiệp rất cao.
Theo đúng lý thuyết, nếu để học sinh tự lựa chọn, có 108 cách chọn năm môn này. Một số môn có thể rơi vào tình trạng ít được các em trong cùng một trường lựa chọn.
Bên cạnh đó, học sinh phải lựa chọn ba cụm chuyên đề sao cho phù hợp với nguyện vọng bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Đây cũng là điểm khác biệt. Cụ thể, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề tạo thành cụm chuyên đề của môn học, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng kiến thức và kỹ năng thực hành để giải quyết các vấn đề thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Chẳng hạn, Ngữ văn lớp 10 có các chuyên đề Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian; Sân khấu hóa tác phẩm văn học; Đọc, viết và giới thiệu một tập thơ, truyện ngắn hoặc tiểu thuyết.
Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và lựa chọn trên, chương trình có hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Dù học sinh được lựa chọn môn học, chương trình mới cho phép các trường xây dựng tổ hợp môn học từ ba nhóm môn và chuyên đề nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.
Về thời lượng giáo dục, mỗi ngày học sinh sẽ học một buổi, mỗi buổi không quá năm tiết, mỗi tiết 45 phút, tương tự hiện nay. Tuy nhiên, chương trình mới cũng khuyến khích các trường dạy học hai buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ. Học sinh sẽ học 29 tiết mỗi tuần trong năm lớp 10, thấp hơn mức 29,5+ theo chương trình hiện hành.
Chương trình mới được đánh giá khoa học, hiện đại, dù sẽ khiến các trường học và địa phương gặp khó khăn ban đầu.
GS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, cho rằng chương trình này đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, phù hợp với định hướng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như hội nhập quốc tế; giúp phát huy năng khiếu, sở trường của học sinh; đảm bảo nền tảng cho chất lượng nguồn nhân lực.
"Chương trình mới có những ưu điểm rõ ràng so với cũ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là cách triển khai như thế nào cho hợp lý, hiệu quả trong thực tiễn", ông Thành nói và nhận định hai điều tiên quyết là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
Về giáo viên, ông Thành khẳng định khi đi vào triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn bởi một vài lý do. Thứ nhất, hiện các trường sư phạm vẫn đào tạo theo chương trình hiện hành chứ chưa triển khai theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi đó, đội ngũ dạy theo chương trình mới cần được đào tạo, bồi dưỡng rất sát sao mới có thể tự tin, vững vàng triển khai.
Thứ hai, chương trình mới có thêm những môn lựa chọn mang tính định hướng nghề nghiệp như môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Môn này trước đây không có ở bậc THPT nên khi triển khai sẽ thiếu giáo viên. Việc để học sinh lựa chọn môn học cũng dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở một số môn. Ông Thành cho rằng điều này đòi hỏi các trường phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình và thực hiện từng bước.
"Có thể thấy chỉ riêng về đội ngũ giáo viên, các địa phương, nhà trường cần thay đổi rất nhiều để có thể triển khai tốt", ông Thành chia sẻ.
Với cơ sở vật chất, theo ông Thành, Chính phủ đã có đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2017-2025. Đề án có nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để huy động các nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 hồi tháng 8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số tỉnh, thành cũng cho rằng có nhiều khó khăn khi triển khai chương trình lớp 10 mới trong năm học tới do quá trình chuẩn bị bị ảnh hưởng bởi Covid-19./.
Nguồn: Dương Tâm/vnexpress.net