‘Trước đây, tôi đã từng mở quán nước ở Hóc Môn mà phải bỏ vì nhiều thứ phát sinh không lường trước. Cứ nghĩ tới kinh doanh lại cảm thấy sợ nhưng không muốn đặt toàn bộ gánh nặng kinh tế lên vai chồng giữa mùa dịch’.
Nỗi lo lắng của chị Diệu Linh (30 tuổi, TP.HCM) không phải là duy nhất trong khóa học “Để không ai bị bỏ lại phía sau – mùa 2” do Gojek phối hợp thực hiện cùng chương trình truyền hình CafeTek HTV và Nhà văn hóa phụ nữ TP.HCM.
Đồ ăn, thức uống trong khóa đào tạo được lựa chọn dựa trên tiêu chí ``3 Dễ``, gồm: Dễ nấu, Dễ mua và Dễ bán.
Những nỗi sợ không tên
Trong căn nhà chật hẹp tại quận Tân Bình, tranh thủ lúc chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cùng cậu con trai 3 tuổi, chị Diệu Linh trải lòng: “Dịch bệnh cùng các đợt giãn cách khiến thu nhập chạy xe Gojek của anh Cường chồng tôi trước đang ổn giờ giảm còn phân nửa.
Trong khi đó, trường học không được mở cửa, tôi vướng con nhỏ ở nhà, cũng không thể đi kiếm việc làm. Từ ngày tôi đóng cửa quán nước, mọi chi phí của cả nhà đều đổ dồn vào tiền chạy xe của anh Cường. Thấy anh chạy xe từ sáng sớm tới tối khuya, tôi biết anh vất vả lắm”.
Vừa muốn phụ chồng lo kinh tế, vừa cần thời gian chăm sóc con, chị Linh mắc kẹt giữa những khó khăn chồng chất. Sau cú vấp của lần kinh doanh trước, ý tưởng mở cửa hàng bày ra trước mắt chị một sự bộn bề đáng sợ.
Cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch, gia đình chị Thúy Phượng (Quận 10, TP.HCM) vốn đã khó khăn nay càng cơ cực hơn. Trước đây, chị bán khẩu trang và đồ vải ở một khu chợ tạm. Thu nhập của cả hai vợ chồng cũng chỉ vừa đủ “đồng ra đồng vào”.
Từ ngày chợ bị giải tán do dịch bệnh, việc học hành, sinh hoạt của cả nhà đều nhờ cậy cả vào những chuyến xe Gojek của chồng là anh Kim Hùng. Nỗi lo về những khoản chi tiêu mỗi tháng khiến chị trăn trở đêm ngày tìm kế sinh nhai. Nghe người ta mách giờ muốn tồn tại được là phải biết kinh doanh online, chị cũng muốn thử nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Chương trình “Để không ai bị bỏ lại phía sau” chắp cánh ước mơ
Dẫu mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chị Linh và chị Phượng đều chung nỗi lo ngại khi không biết làm thế nào để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh online.
Với hầu hết những người lao động phổ thông như hai chị, những câu hỏi như nấu món gì, quản lý thu chi ra sao, hay làm thế nào để mở gian hàng online, thậm chí đơn giản như thao tác trên điện thoại thông minh thế nào… cũng đủ để khiến họ chùn bước.
Theo ông Phùng Tuấn Đức, tổng giám đốc Gojek Việt Nam, đại dịch không chỉ làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, mà còn tạo ra sự phân hoá lớn giữa những người biết nắm bắt và tận dụng được sức mạnh công nghệ với những người không biết.
Sự trăn trở của những người như chị Linh, chị Phượng chính là lý do Gojek quyết định mở rộng chương trình “Để không ai bị bỏ lại phía sau – Mùa 2”, giúp mang sinh kế mới đến cho những người đang loay hoay.
Nỗi sợ thất bại trong quá khứ đã bị bỏ lại, mở ra cho chị Linh một cánh cửa tươi sáng hơn bên quán sữa chua nhỏ của mình. Ảnh chụp màn hình chương trình truyền hình CafeTek HTV.
Trong khuôn khổ chương trình, người thân của các đối tác tài xế Gojek được tham gia các buổi đào tạo về kỹ năng quản lý kinh doanh, và hỗ trợ khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ GoFood của Gojek.
Các buổi đào tạo tập trung cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực khởi nghiệp mặt hàng ăn uống như: lập kế hoạch tài chính & quản lý cửa hàng, xây dựng và quản lý gian hàng trực tuyến, các kỹ thuật nấu ăn, pha chế phổ biến; các nguyên tắc cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách chọn nguyên vật liệu và chế biến thực phẩm an toàn,…
Ngoài ra, Gojek còn trao tặng voucher trị giá 2 triệu đồng/gian hàng trực tuyến, hỗ trợ vốn nhỏ ban đầu giúp việc khởi nghiệp kinh doanh của các học viên suôn sẻ hơn.
Sau khi tham gia chương trình, chị Diệu Linh đã được hỗ trợ để đưa gian hàng Ben’s House, Cây Cám đi vào hoạt động được 3 tháng. Từ khóa học, chị đã biết cách quản lý tài chính và quản lý một gian hàng ẩm thực online – điều mà trước đây chị đã từng gặp khó khăn với quán nước đầu tiên. Nhưng có lẽ, điều tuyệt vời nhất chương trình mang lại cho chị chính là sự tự tin để dấn thân vào một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới mẻ trên nền tảng công nghệ.
Học viên của chương trình không chỉ có những người trẻ tuổi như chị Diệu Linh mà còn có cả những người ở độ tuổi 40, 50 như chị Phượng. Từ chỗ lúng túng với chiếc điện thoại thông minh, sau khóa học, chị Phượng đã có thể tự tay chụp những bức ảnh đồ ăn, thức uống hấp dẫn và thuần thục nhận đơn, giao đồ cho các tài xế công nghệ Gojek.
Với sự chỉn chu vốn có của người nội trợ gia đình cùng sự hỗ trợ của công nghệ, quán nước ép trên GoFood của chị nhanh chóng được yêu mến, mang lại thêm thu nhập cho gia đình chị.
Khởi động ngay trước thời điểm làn sóng dịch COVID-19 bùng phát nặng nề hơn bao giờ hết, chương trình “Để không ai bị bỏ lại phía sau – Mùa 2” được ví như “chiếc chìa khóa” thiết thực, giúp đỡ nhiều cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực ăn uống tham gia vào nền kinh tế số.
Theo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/ban-hang-online-khi-co-hoi-khong-cua-rieng-ai-2021122...