Chiếc cầu Quảng Phú bắc qua sông Krông Nô của người dân 2 bên bờ sông 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông được xây dở dang, rồi dừng thi công từ 20 năm trước, mới đây có thông tin sẽ được phá bỏ.
Sau nhiều năm, niềm mong mỏi chiếc cầu Quảng Phú bắc qua sông Krông Nô của người dân 2 bên bờ sông 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông trở thành nỗi thất vọng khi có thông tin chính quyền quyết định chi tiền tỉ đập bỏ cây cầu đã xây dở dang.
“Mắc mớ chi phải bỏ ra tiền tỉ để phá cầu”
Chiều muộn, lão nông Phạm Văn Thanh (70 tuổi, trú xã Quảng Phú, H.Krông Nô, Đắk Nông) ngồi bệt cạnh chân cầu Quảng Phú để lấy lại sức, chuẩn bị chèo thuyền vượt sông Krông Nô về nhà sau một ngày lao động trên rẫy ở xã Ea R’bin (H.Lắk, Đắk Lắk). Hết nhìn sông, ông Thanh lại nhìn chiếc cầu Quảng Phú xây dở dang rồi thở dài: “Tiếc quá! Cả đời tôi chỉ ước có cây cầu để đi lại qua sông, ai ngờ cầu xây nửa chừng bỏ hoang mấy chục năm. Nếu xây tiếp cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản vẫn ngon lành. Mà không làm thì để đó, cầu có ảnh hưởng tới ai đâu, cũng chẳng ngăn cản dòng chảy, mắc mớ chi mà phải bỏ tiền tỉ để đập phá cho lãng phí”.
Cầu Quảng Phú xây dựng dở dang rồi dừng hẳn từ năm 2004 đến nay - HOÀNG BÌNH
Chiếc cầu Quảng Phú mà ông Thanh nói đến từng được xây dở dang, rồi dừng thi công từ 20 năm trước, mới đây có thông tin sẽ được phá bỏ. Cầu bị bỏ quên trong khu đất hoang hóa bên bờ sông Krông Nô, dưới chân cầu cây cỏ mọc um tùm. Những phần sắt thép trồi ra khỏi bê tông bị hoen gỉ, mố cầu, trụ cầu phủ đầy rêu xanh… Vị trí cầu cách trụ sở UBND xã Quảng Phú khoảng 400 m, cách QL28 vài bước chân. Phía bên kia sông, chiếc cầu cũng chỉ cách tuyến đường liên xã Ea R’bin - Nam Ka (H.Lắk) vài chục mét.
Việc xây cầu Quảng Phú là niềm ao ước của người dân 2 bên bờ sông 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông bấy lâu để kết nối giao thương, vận chuyển nông sản, phát triển kinh tế. Vì cầu không hoàn thành, những năm qua, hàng chục hộ dân tại xã Quảng Phú phải tự đóng thuyền, ngày ngày sang làm rẫy ở bờ bên kia, chấp nhận may rủi khi băng qua sông rộng, nước chảy xiết.
Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, cho biết Quảng Phú là xã khu vực 2 (xã khó khăn). Tuy nhiên, tổng thu ngân sách của xã ở mức cao nhất nhì H.Krông Nô vì có các dự án thủy điện và nhiều doanh nghiệp khai thác cát. “Năm 2021, xã thu ngân sách được 38 tỉ đồng. Nguồn thu chủ yếu từ các doanh nghiệp khai thác cát và thủy điện”, ông Hùng nói.
Còn ông Đặng Xuân Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea R’bin, cho biết Ea R’bin là xã thuộc khu vực 3 (xã đặc biệt khó khăn). Năm 2021, tổng thu ngân sách của xã chỉ hơn 700 triệu đồng, nguồn thu chủ yếu từ các cơ sở, hàng quán kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn.
Anh Nguyễn Văn Đức, trú xã Quảng Phú, cho biết lâu nay do không có cầu qua sông, giao thông bất tiện khiến giá nông sản của bà con bán ra thấp hơn, trong khi giá mua vật tư sản xuất lại cao hơn những nơi khác. “Không có cầu, chi phí vận chuyển cao nên chúng tôi phải bán tiêu, cà phê ngay tại rẫy khi vừa thu hoạch, chứ chở về nhà rồi bán thì sẽ bị lỗ. Vậy mà thay vì tiếp tục xây cầu Quảng Phú này, nghe nói có chủ trương cho đập bỏ cầu, dân chúng tôi buồn đứt ruột”, anh Đức bộc bạch.
Theo một lãnh đạo UBND xã Ea R’bin, không chỉ người dân mà bản thân ông cũng cảm thấy tiếc trước thông tin cầu Quảng Phú bị đập bỏ. “Người dân địa phương cho rằng việc chi tiền tỉ để đập bỏ cầu đi thì lãng phí quá. Nếu tiếp tục xây dựng cầu thì việc đi lại đỡ vất vả hơn. Ở xã có cầu treo qua bên kia sông nhưng chỉ cho xe máy lưu thông, không vận chuyển nông sản được. Muốn chở nông sản thì phải đi đường vòng lên xã Nam Ka với khoảng cách tầm 15 km”, vị này chia sẻ.
Người dân vượt sông đi lại bằng thuyền tự chế gần chân cầu Quảng Phú
Vì sao không tiếp tục xây cầu ?
Theo hồ sơ, năm 1998, cầu Quảng Phú được UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ, lúc chưa chia tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vào năm 2004) chấp thuận đầu tư, khởi công xây dựng với tiêu chuẩn kỹ thuật: Cầu treo dây văng nông thôn, tải trọng thiết kế H13, chiều rộng 4,4 m, chiều dài 147 m, bắc qua sông Krông Nô, nối giữa 2 xã Quảng Phú và Ea R’bin. Công trình do Sở GTVT Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Trong quá trình triển khai, dự án cầu Quảng Phú tạm dừng thi công 3 lần do liên quan quy hoạch, xây dựng các dự án thủy điện trên sông Krông Nô. Cuối cùng, năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định dừng triển khai xây cầu Quảng Phú, giao Sở GTVT kiểm kê, nghiệm thu, quyết toán theo quy định.
Thời điểm dừng thi công, công trình đã xây dựng được 2 mố cầu, 4 trụ cầu, 4 dầm bê tông cốt thép (đã lao lắp xong 2 nhịp dẫn dài 18 m); tổng giá trị hoàn thành gần 6,5 tỉ đồng. Đến đầu năm 2022, tỉnh Đắk Lắk có chủ trương phá dỡ chiếc cầu xây dở dang bỏ hoang gần 20 năm qua.
PV Thanh Niên đã liên hệ với ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk, để tìm hiểu về lý do đập bỏ cầu Quảng Phú, nhưng vị này chỉ trả lời ngắn gọn: “Cần gì cứ liên hệ Văn phòng Sở để được cung cấp”.
Theo các tài liệu liên quan, Sở GTVT Đắk Lắk lý giải đầu năm 2004, tỉnh Đắk Nông được thành lập (tách từ Đắk Lắk). Các xã Ea R’bin và Nam Ka được điều chỉnh địa giới hành chính thuộc về H.Lắk (Đắk Lắk); vai trò kết nối đường giao thông từ H.Krông Nô (Đắk Nông) với 2 xã Ea R’bin, Nam Ka (H.Lắk) không còn nhu cầu cấp thiết. Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định dừng hẳn việc thi công cầu Quảng Phú.
Cũng theo Sở GTVT Đắk Lắk, qua kiểm tra trong năm 2020, kết cấu công trình cầu Quảng Phú chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa đưa vào khai thác, sử dụng hơn 20 năm, chịu sự tác động của dòng chảy, thời tiết, địa chất khó lường. Vì thế, việc kiểm định, đánh giá chất lượng khó khăn và tốn nhiều kinh phí, khả năng tận dụng lại các hạng mục đã đầu tư không cao. Trong khi đó, quy mô, kết cấu công trình thấp (đã được phê duyệt tại thời điểm cách đây hơn 20 năm), không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
Ngoài ra, phía Sở GTVT Đắk Lắk phân tích việc tiếp tục đầu tư cầu Quảng Phú trong thời điểm hiện tại và tương lai là không cần thiết, kinh phí đầu tư lớn (dự kiến khoảng 30 tỉ đồng), không có hiệu quả, không còn phù hợp với quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của H.Lắk (Đắk Lắk) và H.Krông Nô (Đắk Nông).
Từ những phân tích trên, tháng 7.2021, Sở GTVT Đắk Lắk đề xuất chi 3,5 tỉ đồng để phá dỡ cầu Quảng Phú. Sau đó, trong kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ hệ thống tỉnh lộ năm 2022 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cấp 3,5 tỉ đồng để đập bỏ, tháo dỡ cầu Quảng Phú, bàn giao UBND H.Lắk quản lý, tận dụng lại một số bộ phận công trình.
Lãnh đạo 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nói gì ?
Liên quan thông tin tỉnh Đắk Lắk quyết định phá bỏ cầu Quảng Phú, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng cầu Quảng Phú là công trình công cộng phục vụ lợi ích của người dân. Do đó, phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Trong trường hợp muốn đập bỏ cầu này thì phải có cơ quan thẩm định, kiểm tra, đánh giá qua các bước về tuổi thọ, mức độ an toàn của cầu…, không phải muốn là đập bỏ. “Làm gì thì làm nhưng phải tốt nhất, có lợi nhất cho dân. Quan điểm của tỉnh rõ ràng như vậy, đâu phải muốn đập là đập được”, ông Mười nói.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk (đề nghị không nêu tên) cho hay trước những thông tin từ dư luận, tỉnh đã cân nhắc lại vấn đề đập bỏ cầu Quảng Phú và giao sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về hướng xử lý. “Phía tỉnh cũng tiếp thu các ý kiến từ dư luận về cầu Quảng Phú và yêu cầu Sở Tài chính, Sở GTVT tham mưu lại cho UBND tỉnh. Hiện tại, cả 2 sở này vẫn chưa có báo cáo tham mưu”, vị lãnh đạo này nói.
Mới đây, ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú (H.Krông Nô, Đắk Nông), cho biết UBND xã đã có văn bản kiến nghị UBND H.Krông Nô xem xét, đề xuất lên cấp trên có giải pháp khôi phục tiếp tục xây cầu Quảng Phú để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.
Nguồn: Trung Chuyên - Hoàng Bình/thanhnien.vn