Vụ ngân hàng SCB "không liên quan gì đến Kiểm toán Nhà nước"

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Vụ ngân hàng SCB "không liên quan gì đến Kiểm toán Nhà nước"

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của hoạt động kiểm toán trong vụ ngân hàng SCB, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn khẳng định, vụ việc này không liên quan gì đến KTNN; trách nhiệm này thuộc về các doanh nghiệp kiểm toán độc lập đã cung cấp dịch vụ kiểm toán với SCB.

Chất vấn Tổng KTNN sáng 5.6, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho biết, vụ việc ngân hàng SCB xảy ra vừa qua được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi.

“Thông tin cho thấy, nhiều công ty kiểm toán đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của SCB nhưng không phát hiện ra được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này.

Nhiều cử tri đã đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của hoạt động kiểm toán. Xin cho biết, vai trò, trách nhiệm của KTNN đối với các vụ việc như SCB trong thời gian vừa qua” - đại biểu Mai Văn Hải đặt câu hỏi.

Trả lời về nội dung này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, vụ ngân hàng SCB bị truy tố và được xét xử với 3 tội danh: Thao túng thị trường chứng khoán; chiếm đoạt tài sản; nhận và đưa hối lộ.

“Vụ việc này không liên quan gì đến KTNN vì không thuộc đối tượng, không thuộc phạm vi và theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập, thì đây là công ty đại chúng, ngân hàng SCB thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán độc lập. Trách nhiệm này thuộc về các doanh nghiệp kiểm toán độc lập đã cung cấp dịch vụ kiểm toán với SCB” - Tổng Luật Kiểm toán độc lập cho biết.

“Chia lửa”, làm rõ các vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hệ thống kiểm toán có 2 nhánh.

Vụ việc ngân hàng SCB không liên quan gì đến Kiểm toán Nhà nước. Đồ họa: Lao Động

Nhánh thứ nhất là Luật Kiểm toán độc lập. Đây là cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật. Luật Kiểm toán độc lập với nguyên tắc và phạm vi thực hiện là chỗ nào có tài sản, tiền của nhà nước thì ở đó có hoạt động kiểm toán.

Nhánh thứ 2 là hệ thống kiểm toán độc lập, thực hiện theo Luật Kiểm toán độc lập, tức là cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp. Nhánh này gồm có những người hành nghề kiểm toán độc lập; doanh nghiệp kiểm toán độc lập và các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam, thực hiện hợp đồng kiểm toán để kiểm toán dịch vụ, báo cáo tài chính, dự án đầu tư… do doanh nghiệp thuê.

Kiểm toán độc lập cũng sẽ phối hợp với KTNN thông qua hợp đồng trưng dụng để thực hiện theo yêu cầu của KTNN.

Bộ Tài chính đã thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán, là quản lý chất lượng kiểm toán thông qua ban hành các cơ chế chính sách, chiến lược, thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát với các tổ chức kiểm toán.

Năm 2023, Bộ thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán độc lập, đánh giá 11 doanh nghiệp đạt yêu cầu; 7 doanh nghiệp không đạt yêu cầu; 1 doanh nghiệp yếu.

Ngoài ra, đã tiến hành kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán, trong đó đánh giá 16 hồ sơ đạt yêu cầu; 26 hồ sơ không đạt yêu cầu; 20 hồ sơ yếu kém; từ đó đình chỉ 7 kiểm toán viên, nhắc nhở 21 kiểm toán viên và phê bình các công ty kiểm toán.

Về vụ ngân hàng SCB, ông Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN mặc dù không kiểm toán SCB, nhưng đã kiến nghị và lưu ý đối với SCB.

Còn kiểm toán độc lập, giai đoạn 2012-2022, SCB thuê các công ty kiểm toán nước ngoài thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, như EY, Deloitte và KPMG.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, quá trình thực hiện kiểm toán này đã có những thiếu sót, sai phạm, có vấn đề và cơ quan điều tra, công tố đã điều tra, xử lý vụ án.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập để phục vụ cho dịch vụ kiểm toán của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp./.

Nguồn: laodong.vn