Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn hướng đến phương án tìm một huấn luyện viên (HLV) nước ngoài để dẫn dắt tuyển Việt Nam thay vì một HLV nội.
Trong ít ngày tới, VFF sẽ công bố HLV tạm quyền dẫn dắt đội U23 và đội tuyển Việt Nam. Khả năng cao vào thời điểm này, một HLV trong nước sẽ được chọn, HLV Hoàng Anh Tuấn là ứng viên sáng giá cho vị trí này.
6 lần HLV nội trong 20 năm
Đội tuyển Việt Nam sẽ trở lại guồng quay cũ là tạm thời làm việc với một HLV trong nước sau khi một HLV nước ngoài dừng công việc đột ngột. Đây là kịch bản đã diễn ra nhiều lần trong 20 năm qua.
Tính từ năm 2005 thời cố HLV Alfred Riedl đến năm 2024, đã có 7 lần VFF bổ nhiệm HLV nội. Trong số này, ông Mai Đức Chung là người được tin tưởng nhiều nhất với 3 lần lên tuyển làm thay.
HLV Mai Đức Chung 3 lần làm tạm quyền dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong 20 năm qua - Ảnh: Q.T.
Năm 2011, lần đầu tiên HLV Mai Đức Chung làm tạm quyền sau khi ông Henrique Calisto từ chức vào tháng 3-2011. Sau đó, VFF bổ nhiệm nhà cầm quân người Đức Falko Gotz và sa thải ông sau 7 tháng.
Cuối tháng 2-2012, ông Chung "xe ca" lần thứ 2 lên tạm quyền sau khi chiếc ghế HLV trưởng bị bỏ trống hơn 1 năm. Đến tháng 9-2012, HLV Phan Thanh Hùng được bổ nhiệm làm HLV trưởng tuyển Việt Nam.
Ông Hùng từ chức sau 3 tháng nên HLV Nguyễn Văn Sỹ được bổ nhiệm làm HLV tạm quyền từ tháng 1 đến tháng 5-2013. Sau đó, VFF kiên định tiếp tục với HLV nội khi đưa ông Hoàng Văn Phúc lên thay.
Thất bại cùng U23 Việt Nam ở vòng bảng SEA Games 27 và tuyển Việt Nam bị loại sớm ở Asian Cup, ông Hoàng Văn Phúc xin từ chức sớm 1 năm. Nó cũng khép lại giai đoạn 3-4 năm HLV nội thất bại ở đội tuyển.
Sau đó bằng nhiều mối quan hệ giữa các liên đoàn, VFF nhờ Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản kết nối và bổ nhiệm HLV Toshiya Miura dẫn dắt đội tuyển vào tháng 5-2014. Ông Miura làm việc đến tháng 1-2016 thì bị sa thải.
Nguyễn Hữu Thắng là HLV nội gần nhất chính thức dẫn dắt tuyển Việt Nam - Ảnh: Q.T.
VFF quay lại tìm HLV nội và HLV Nguyễn Hữu Thắng được chọn. Dẫu vậy, đội tuyển chỉ vào bán kết AFF Cup 2016. Đội U23 Việt Nam bị loại từ vòng bảng SEA Games 2017. Ông Thắng từ chức ở phòng họp báo.
Tháng 8-2017, lần thứ 3 ông Mai Đức Chung ngồi vào ghế tạm quyền. Sau khi làm tròn nhiệm vụ với 2 trận thắng cùng tuyển Việt Nam, ông Chung rời ghế khi VFF sang Hàn Quốc tìm được ông Park Hang Seo.
HLV nội không có dấu ấn
Thống kê về 6 lần HLV nội lên cầm quân ở tuyển Việt Nam cho thấy chưa có ai đủ khả năng mang về thành tích nổi bật. 20 năm qua, dấu ấn của các HLV Việt Nam vẫn chỉ là vai trò trợ lý, phụ tá cho HLV ngoại.
Những thành công trong 20 năm qua của bóng đá Việt Nam như vô địch AFF Cup 2008, 2018 và kỳ tích của đội U23 Việt Nam ở Thường Châu đều từ HLV ngoại là ông Henrique Calisto và ông Park Hang Seo.
Dấu ấn của các HLV nội không có, chỉ trừ ông Mai Đức Chung với thống kê 3 lần làm tạm quyền. Điều này là minh chứng khá rõ ràng để VFF lên phương án dài hơi về một ứng viên người nước ngoài.
Trong 20 năm qua, các HLV Việt Nam cũng đã nỗ lực rất nhiều về chuyên môn khi chịu khó ra nước ngoài học tập, lấy bằng cấp chứng chỉ. Phải đến năm 2021, Việt Nam mới có 11 HLV nội có bằng HLV loại Pro AFC.
Dẫu vậy, để HLV nội chính thức dẫn dắt tuyển Việt Nam là thách thức không nhỏ cho HLV và cả lãnh đạo VFF. Bằng cấp là phương tiện, kiến thức là công cụ, HLV nội lại có lợi thế là hiểu rõ tâm lý và suy nghĩ cầu thủ Việt. Nhưng để một HLV Việt Nam dẫn dắt tuyển Việt Nam thì chỉ dừng ở mức tạm quyền mà thôi.
Chọn HLV nội là điều VFF đã thử trong 20 năm qua và cũng cho thấy rõ ràng là chưa hiệu quả. Do vậy định hướng trong thời gian tới của VFF là tìm HLV ngoại cho bóng đá Việt Nam thay cho ông Troussier cũng là điều dễ hiểu./.
Nguồn: Quang Thịnh/tuoitre.vn