Trốn truy nã, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) vẫn bị đề nghị 30 năm tù

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Trốn truy nã, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) vẫn bị đề nghị 30 năm tù

 Ngày 11.7, sau khi kết thúc phần xét hỏi, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC, đang trốn truy nã) và 13 bị cáo, chuyển sang với phần tranh luận.

 

Hôm nay 11.7, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TPHCM đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 14 bị cáo bị xét xử về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TPHCM, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM (Trung tâm CNSH).

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC, đang trốn truy nã) bị đề nghị mức án 22-24 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt ở 2 bản án trước, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Nhàn phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.

Cùng tội danh, bị cáo Trần Mạnh Hà (cựu Phó Tổng giám đốc AIC, đang trốn truy nã) bị đề nghị 18-21 năm tù. Tổng hợp hình phạt ở các bản án trước, đề nghị buộc bị cáo Hà chấp hành chung 30 năm tù; bị cáo Trần Đăng Tấn (cựu Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TPHCM, đang trốn truy nã) bị đề nghị 18-20 năm tù và đề nghị bị cáo Đỗ Vân Trường (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Mopha thuộc hệ sinh thái AIC, đang trốn truy nã) từ 4 - 5 năm tù.

Bị cáo Dương Hoa Xô (cựu giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM) bị đề nghị 15-16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu Phó Giám đốc Sở KHĐT TPHCM) bị đề nghị 8-9 năm tù và bị cáo Phan Tất Thắng (cựu Phó trưởng Phòng Kinh tế ngành thuộc Sở KHĐT TPHCM) bị đề nghị 5-6 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

7 bị cáo là đồng phạm còn lại cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, bị đề nghị từ 4-9 năm tù.

Trốn truy nã, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) vẫn bị đề nghị 30 năm tù

Các bị cáo trong vụ án liên quan AIC tại phiên tòa. Ảnh: Anh Tú

Về trách nhiệm dân sự, Viện KSND TPHCM đề nghị buộc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC phải liên đới bồi thường 94,6 tỉ đồng cho Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi bất chính mà các bị cáo, gia đình các bị cáo, người liên quan và các công ty nộp lại.

Theo Viện kiểm sát, giữa bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) và bị cáo Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM) thống nhất thông thầu, dẫn đến không có tính cạnh tranh trong đấu thầu, tạo điều kiện cho AIC tiếp cận, trúng 8 gói thầu, đồng thời nâng khống 40% giá trị gói thầu thuộc dự án mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 94,6 tỉ đồng.

Dù bị cáo Nhàn đang bị truy nã và xét xử vắng mặt, nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Dương Hoa Xô và một số bị cáo khác, phù hợp với chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo Nhàn và 3 bị cáo khác tại AIC (cũng đang bị truy nã và xét xử vắng mặt).

Đối với bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở KHĐT TPHCM) vì vụ lợi đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, chỉ đạo cấp dưới là bị cáo Phan Tất Thắng lập tờ trình để ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa tổ chức thẩm định; không xử lý sai phạm của chủ đầu tư, tạo điều kiện cho Trung tâm Công nghệ sinh học và AIC nâng khống giá dự toán và giá gói thầu.

Từ đó, bị cáo Minh trực tiếp nhận 900 triệu đồng từ phía AIC, và nhận 1 tỉ đồng do bị cáo Dương Hoa Xô đưa. Đến nay, bị cáo Minh cũng đã nộp lại 1,9 tỉ đồng; bị cáo Thắng hưởng lợi 50 triệu đồng và nộp lại số tiền trên.

Đối với 7 bị cáo còn lại bị xét xử về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo Viện kiểm sát, 7 bị cáo này đã thông đồng với AIC, tạo điều kiện cho AIC hưởng lợi hơn 94,6 tỉ đồng./.

Nguồn: Anh Tú/laodong.vn