Rất nhiều người dân tại TPHCM đang sống trong thấp thỏm lo sợ bên những dòng sông, rạch bị sạt lở. Điều này càng trở nên lo lắng hơn khi mùa mưa bão đang đến. Trong khi đó, việc triển khai các dự án chống sạt lở đang bị chậm vì vướng đền bù giải tỏa.
Sống thấp thỏm nơi sạt lở
Đến nay, người dân sinh sống tại khu vực cầu Giồng Ông Tố (nơi tiếp giáp của hai phường An Phú và Bình Trưng Tây thuộc Thành phố Thủ Đức) vẫn chưa quên được vụ sạt lở nhà xuống rạch Giồng Ông Tố vào buổi tối tháng 7.2021. Vụ việc đã làm một phần căn nhà số 148 đường Nguyễn Thị Định bị sạt hoàn toàn, hai căn nhà số 149 và 150 đường Nguyễn Thị Định bị nứt tường và nghiêng phần sàn bê tông.
Nhớ lại khoảnh khắc một phần căn nhà của mình bị “nuốt chửng” theo dòng nước, anh Nguyễn Văn Bình (phường An Phú) kể lại: “21h đêm 22.7.2021, tôi nghe những tiếng rào, rào… sau đó toàn bộ công trình phía sau nhà là căn bếp, nhà tắm rộng khoảng 20m2 đều bị sụp xuống rạch, lộ ra một hố rộng phía sau nhà. May mắn khi đó gia đình tôi đều ở phía trước nhà nên không có ai bị thương. Hiện tại, gia đình tôi cùng người dân nơi dây luôn sống trong tình trạng thấp thỏm mỗi ngày. Tôi mong sớm được đền bù giải tỏa để dời đến nơi ở khác an toàn hơn” - anh Bình nói.
Đối diện nhà anh Bình, bên kia rạch Giồng Ông Tố, là căn nhà cấp bốn của Bà Nguyễn Thị Thu (phường Bình Trưng Tây). Bà Thu cho biết gần 30 năm sống ở đây, miếng đất rộng 160 m2 của gia đình đã bị sạt lở cuốn mất gần hết, chỉ còn khoảng 20 m2. Để giữ căn nhà khỏi trôi xuống sông, bà Hường đã mua hàng trăm bao cát đắp dọc 20 m đất sát mép bờ sông. “Tôi đang chờ được đền bù để tìm chỗ ở mới, chứ ở đây cứ phập phồng lo lắng, lỡ nhà trôi xuống sông thì rất nguy hiểm” - bà Thu kể.
Khu vực rạch Giồng Ông Tố có 19 hộ dân phường Bình Trưng Tây và An Phú chịu ảnh hưởng sạt lở ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm. Hiện dọc bờ rạch có nhiều ngôi nhà khác cũng đang trong tình trạng liêu xiêu chếch ra phía bờ sông, có những căn nhà hoang tàn bị đổ sập một phần công trình lộ ra phần hở hàm ếch sâu. UBND TPHCM đã phê duyệt dự án làm kè bảo vệ dài gầm 700m hai bên mố cầu Giồng Ông Tố nhưng chưa thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng.
Là một trong những địa phương có nguy cơ cao về sạt lở các tuyến sông, kênh, rạch vào mùa mưa bão, huyện Nhà Bè cũng đang có nhiều hộ dân sống trong hoàn cảnh tương tự. Đơn cử như tại bờ trái rạch Ông Lớn 2 (khu vực cầu Phước Lộc, xã Phước Kiển) tập trung đông dân cư sinh sống, nên khi mùa mưa bão sắp đến, người dân lại sống trong tâm trạng bất an.
Nhiều căn nhà phía bờ rạch Giồng Ông Tố (TPHCM) đã bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Minh Quân
Dự án chậm vì chờ giải tỏa
Theo thống kế của Sở GTVT TPHCM, toàn thành phố ghi nhận 32 vị trí sạt lở với tổng chiều dài khoảng 20km, gồm: Đặc biệt nguy hiểm (16 vị trí) và nguy hiểm (16 vị trí). Trong 32 vị trí sạt lở này thì có 25 vị trí đã được lập dự án xây dựng kè, nhưng tiến độ triển khai khá chậm hoặc chưa thể triển khai do vướng giải phóng mặt bằng, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên nhiều hộ dân chưa di dời. 7 vị trí còn lại chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở.
Liên quan đến khu vực sạt lở ở rạch Giồng Ông Tố, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, hiện địa phương đã đo đạc và thống nhất với người dân về việc di dời, giải phóng mặt bằng để làm kè chống sạt lở. Dự kiến công trình được triển khai trong năm nay, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết, trên địa bàn huyện có 9 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở mức độ cảnh báo nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, tập trung tại 4 xã gồm: Hiệp Phước, Phước Kiển, Nhơn Đức và Phước Lộc. Hiện 9 vị trí này đều đã có dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm nên việc triển khai thi công các dự án kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn, huyện Nhà Bè đang có 226 hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời, huyện đã chỉ đạo các xã liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến sạt lở và sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế người dân di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. Cùng với đó, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tái định cư...
Trước tình hình mùa mưa bão đang tới, mới đây UBND TPHCM đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở chủ động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở. Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án kè chống sạt lở trong thời gian ngắn nhất.
Đối với 7 vị trí sạt lở nhưng chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở, UBND TPHCM đề nghị các địa phương này cần thông báo, cảnh báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức vận động, bố trí lực lượng xung kích hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn./.
Nguồn: Minh Quân/laodong.vn