Trong khi TPHCM đang tái diễn nạn kẹt xe thì hàng loạt dự án mở rộng đường các khu vực cửa ngõ để giảm tải áp lực giao thông dù đã được phê duyệt, lên kế hoạch cách đây nhiều năm chưa thể triển khai do những vướng mắc về vốn, mặt bằng.
Dự án cấp bách nằm trên “giấy”
Để giảm ùn tắc cho khu vực sân bay, năm 2016 Sở GTVT TPHCM lập kế hoạch triển khai hàng loạt dự án. Đến nay, một số công trình như cầu vượt trên đường Trường Sơn (trước cổng sân bay), cầu vượt tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám, nút giao ngã sáu Gò Vấp, mở rộng đường Hoàng Minh Giám... đã đưa vào hoạt động và bước đầu phát huy hiệu quả.
Thế nhưng, nhiều dự án khác vẫn còn trên giấy. Muốn đường ra vào sân bay thông suốt, TPHCM phải sớm đẩy nhanh 5 dự án đang nằm chờ với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng.
Điển hình là dự án cải tạo đường Cộng Hòa (từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận Tân Bình) tổng mức đầu tư 141,8 tỉ đồng và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa) tổng đầu tư 257 tỉ đồng. Hai dự án này đã được phê duyệt cách đây 5 năm nhưng đến nay vẫn nằm im vì chờ mặt bằng.
Một dự án khác có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng là mở đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành với đường Cộng Hòa, dài 4km, thiết kế 6 làn xe), cửa ngõ thứ 2 vào sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án này hiện cũng vướng giải phóng mặt bằng bởi một phần đất do quốc phòng quản lý nên chưa thể khởi công.
Không chỉ vậy, hai dự án giải cứu kẹt xe cửa ngõ Tây Bắc TPHCM là dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) với tổng mức đầu tư hơn 742 tỉ đồng và dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh tổng mức đầu tư là 2.147 tỉ đồng cũng bế tắc từ năm 2018 đến nay do vướng giải phóng mặt bằng.
Tương tự, tại cửa ngõ phía Đông, là trục giao thông quan trọng nối TPHCM với tỉnh Bình Dương và các tỉnh Tây nguyên, nhưng bao năm qua Quốc lộ luôn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Dự án mở rộng quốc lộ 13 được UBND TPHCM đề xuất từ năm 2002, khi đó chi phí giải phóng mặt chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Sau 20 năm… nằm trên “giấy”, tổng mức đầu tư dự án này hiện đã lên tới gần 10.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt đội lên 8.176 tỉ đồng.
Trong khi đó, dự án nút giao Mỹ Thủy được kỳ vọng giải quyết bài toán ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái tiến độ cũng chậm chạp do vấn đề giải phóng mặt bằng. Hiện tổng mức bồi thường tăng từ 504 tỉ lên 1.029 tỉ đồng càng khiến công tác triển khai bị chựng lại. Hiện chỉ có cầu Mỹ Thủy 3, một hạng mục thuộc giai đoạn 2 dự án, đã hoàn thành, các hạng mục khác vẫn chưa thể hứa hẹn ngày về đích.
Ùn xe kéo dài từ đường Cộng Hòa đến đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) - cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Minh Quân
Có giải pháp riêng cho giải phóng mặt bằng
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TPHCM - cho biết đơn vị xác định hiện nay nhiều tuyến đường ở các khu vực cửa ngõ TPHCM đã quá tải, các tuyến liên kết vùng chưa có, các tuyến cao tốc còn quá ít.
Do đó, mục tiêu từ nay đến hết năm 2025 là phải khơi thông được hạ tầng giao thông ở các cửa ngõ phía Đông, phía Tây TPHCM, khép kín Vành đai 2, hoàn thành Vành đai 3, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 50, quốc lộ 22... Song song đó, đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. "Đây đều là những tuyến đường huyết mạch góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ở TPHCM, kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các khu vực lân cận" - ông Phúc nói.
Ông Lương Minh Phúc cho biết hiện có hai nguyên nhân khiến các dự án bị chậm là nguồn vốn và giải phóng mặt bằng. Theo ông Phúc, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách TPHCM được duyệt khoảng 142.000 tỉ đồng, chỉ cơ bản đáp ứng dự án chuyển tiếp từ trước chứ không đủ cho các công trình mới. "TPHCM vừa kiến nghị Trung ương bổ sung khoảng 119.000 tỉ đồng. Khi được chấp thuận, thành phố sẽ có thêm nguồn lực đầu tư, trong đó quốc lộ 13, Vành đai 2, 3 sẽ được ưu tiên bố trí vốn" - ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, cần có bước đột phá trong giải phóng mặt bằng để đưa các dự án về đúng tiến độ trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến sắp tới, Ban giao thông sẽ ký quy chế phối hợp với các địa phương về giải phóng mặt bằng. Trong đó, yêu cầu năm 2022, các địa phương phải hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng hơn 30 dự án.
Bên canh đó, cơ chế, thủ tục cũng rất quan trọng, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình UBND TPHCM thủ tục rút gọn bồi thường giải phóng mặt bằng từ 400 ngày xuống còn 200 ngày, đây là tiền đề để đẩy nhanh tiến độ các dự án. “Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn giá bồi thường cần tiệm cận hơn để giảm thiểu kiện tụng, tạo sự ủng hộ của người dân” - ông Phúc nói.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, năm 2022 sẽ nỗ lực hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính kết nối vùng như Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài và cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Song song đó, phấn đấu hoàn thành cơ bản tuyến metro số 1, khởi công tuyến Metro số 2, khởi công các công trình trọng điểm giải tỏa ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng nút giao thông An Phú…/.
Nguồn: Minh Quân - Huyền Trân/laodong.vn