Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dẫn trước cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc thăm dò mới nhất được thực hiện bởi hãng tin NBC và CBS.
Theo TTXVN, các cuộc thăm dò mới nhất do hãng tin NBC và CBS thực hiện cho thấy Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang có dấu hiệu bứt phá so với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, kết quả khảo sát được công bố ngày 22/9 của NBC cho thấy trong số 1.000 cử tri được tham khảo ý kiến, có 48% số người được hỏi có phản hồi tích cực dành cho bà Harris, trong khi ông Trump chỉ nhận được 38%.
Trong khi đó, khảo sát của CBS cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump 4 điểm phần trăm, với tỷ lệ 52% và 48%.
Các kết quả thăm dò nói trên phù hợp với các cuộc khảo sát gần đây do hãng Reuters/Ipsos thực hiện, dù khảo sát này cho thấy cuộc cạnh tranh giữa hai ứng cử viên có phần gắt gao hơn.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Theo nhận định của giới phân tích, mặc dù các cuộc thăm dò trên toàn quốc ở Mỹ cho thấy nhiều chỉ dấu quan trọng nhưng số phiếu đại cử tri mới là yếu tố quyết định tới khả năng giành chiến thắng của ông Trump hoặc bà Harris. Trong đó, có một số bang đóng vai trò then chốt trong cuộc đua này, chẳng hạn như các bang Pennsylvania, Nevada hoặc Wisconsin.
Hiện tại, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang ở vào giai đoạn quyết liệt, khi chỉ còn hơn 40 ngày nữa là đến ngày bỏ phiếu và bà Harris được cho là đang có được lợi thế kể từ khi trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ.
Một số bang của Mỹ đã bắt đầu bỏ phiếu sớm. Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Reuters cho hay, từ ngày 20/9, cử tri ở 3 bang gồm Virginia, Minnesota và South Dakota đã bắt đầu tiến hành bỏ phiếu trực tiếp trong cuộc bầu cử tổng thống.
Ngoài ra, một số bang nữa cũng sẽ bỏ phiếu vào khoảng giữa tháng 10/2024. Hầu hết các bang này thực hiện cơ chế bỏ phiếu trực tiếp.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump thường xuyên hoài nghi về việc bỏ phiếu sớm trước đây, tuy nhiên, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã chấp nhận khái niệm này trong năm nay như một cách quan trọng để thu thập phiếu bầu trước do thời tiết và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử ngày 5/11.
Đảng Dân chủ đã tận dụng các lựa chọn bỏ phiếu sớm trong các cuộc bầu cử gần đây, thu về hàng triệu phiếu bầu trong quá trình này.
Theo Hiến pháp, công dân Mỹ từ đủ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Thế nhưng, trong các kỳ bầu cử luôn có một bộ phận lớn người dân không muốn đi bỏ phiếu do không quan tâm tới chính trị hay đơn giản là không thích các ứng cử viên.
Trên thực tế, bầu cử Tổng thống ở Mỹ được tiến hành song song với bầu cử quốc hội để chọn ra các nghị sĩ Hạ viện, Thượng viện.
Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu ra tổng thống mà họ dùng phiếu phổ thông để quyết định đến lá phiếu của các đại cử tri trong bang. Các đại cử tri này sau đó mới bầu ra tổng thống dựa trên kết quả phổ thông đầu phiếu tại bang mà cử tri đó đại diện.
Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của từng bang mà trên lá phiếu của cử tri sẽ còn có những câu hỏi khác như bầu Thống đốc bang, bầu cơ quan lập pháp và các chức vụ dân cử của bang hay trưng cầu dân ý về một số vấn đề được đưa ra./.
Thực hiện: Đinh Kim/doisongphapluat.com.vn