Tết Nhâm Dân cận kề, người đi làm xa nhà "đau đầu" về quê hay ở lại thành phố ăn Tết

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Tết Nhâm Dân cận kề, người đi làm xa nhà "đau đầu" về quê hay ở lại thành phố

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng với quy định cách ly của các địa phương, nhiều người trẻ đang làm việc ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang phải cân nhắc giữa việc về quê ăn Tết hay ở lại nơi đang cư trú.

Vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không tưng bừng như mọi năm. Nhiều hoạt động lễ hội, tụ tập đông người không thể tổ chức. Dù vậy, sau một năm xa quê, ai cùng muốn trở về quê hương, dành nhiều thời gian hơn bên gia đình.

Tuy nhiên, tại mỗi địa phương, dù không cấm nhưng có nơi khuyến khích không về quê ăn Tết, nơi lại yêu cầu test PCR, có nơi lại chỉ cần khai báo y tế, thực hiện 5K. Điều này vô tình gây khó, bất tiện cho người dân trong việc quyết định trở về quê ăn Tết.

Ý định về quê ăn Tết bị lung lay

Gần một năm bám trụ ở Hà Nội, hạn chế về quê để phòng chống dịch nên chị Nguyễn Thị Thanh Mai (24 tuổi, quê Thanh Hóa) đang rất nóng lòng được đoàn tụ với bố mẹ trong dịp Tết sắp tới. Nhưng kế hoạch của cô có nguy cơ đổ bể.

Theo chị Mai, do thời gian gần đây dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca lâu lan trong cộng đồng, TP.Thanh Hóa có thư ngỏ về việc vận động người dân không về quê ăn Tết để đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19. Điều này khiến ý định về quê ăn Tết của chị bị "lung lay".

Chị Mai bức xúc nói: "Cả một năm đi làm xa nhà, có mỗi cái Tết mong muốn về quê quây quần bên gia đình, cha mẹ nên việc địa phương vận động như vậy khiến nhiều người như tôi rất khó xử, không biết đâu mà làm, đi không được, ở cũng không xong. Thậm chí, có nhiều người còn độc miệng bảo đi làm xa không mang điều gì tốt đẹp, chỉ đem dịch bệnh để quê nhà mất Tết. Nghe mà chạnh lòng quá".

Chung hoàn cảnh với chị Mai, anh Trần Tiến Thành (35 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn đang phân vân có nên về quê ăn Tết hay ở lại bởi quy định cách ly của địa phương.

"Đi làm cả năm xa nhà, không về thì nhớ vợ con, bố mẹ, mà về phải tự cách ly từ 7-14 ngày, trong khi chỉ được nghỉ 9 ngày", anh Thành buồn rầu nói. Địa phương không cấm về nhưng các biện pháp cách ly chẳng khác nào gây khó dễ cho người dân "đường về nhà ngày một xa.

"Vợ con ở nhà cũng vận động tôi xin nghỉ phép, về từ đầu tháng để cách ly nhưng làm gì có cơ quan nào đồng ý chuyện này trong khi công việc cuối năm luôn ngập đầu. Muốn về sớm chỉ có nghỉ việc rồi qua Tết vào đây lại xin việc khác", anh Thành tâm sự.

Trong khi đó, chị Trịnh Thị Ngọc Bích (24 tuổi, quê ở Hải Dương, hiện đang làm việc tại TP.Hải Phòng) cho hay, hiện tại Hải Phòng đang là "vùng đỏ", chị cũng đang vừa làm vừa xem xét tình hình dịch bệnh để cân nhắc việc về quê đón Tết cùng gia đình.

"Mình cũng muốn về quê đón Tết với gia đình lắm nhưng do dịch bệnh tại Hải Phòng đang 'căng' quá. Bản thân mình giả sử có nhiễm thì không sao nhưng gia đình mình còn có ông bà, bố mẹ tuổi đã cao và có bệnh nền, các cháu còn nhỏ. Có lẽ, năm nay mình phải ăn Tết xa nhà", chị Bích cho hay.

Về quê ăn Tết là nét đẹp văn hóa, là dịp sum họp gia đình, người thân (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Về quê sớm để kịp cách ly trước Tết

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn mong muốn về quê ăn Tết vì đây là thời điểm được trông chờ cả năm, được lên kế hoạch từ nhiều tháng. Với đặc thù công việc có thể làm từ xa, nhiều bạn trẻ quyết định về sớm hơn hẳn mọi năm đề phòng phải cách ly.

Bạn Thu Hồng (25 tuổi) kinh doanh online tại Hà Nội quyết định về quê Nghệ An sớm hơn mọi năm. Bởi với việc bán hàng online, cô có thể ngồi tại nhà ở Nghệ An "chốt đơn", việc đóng gói hàng, gửi vận chuyển cô sẽ nhờ người đồng nghiệp ở Hà Nội.

Dù năm 2021, dịch bệnh phức tạp, việc kinh doanh gặp nhiều áp lực và khó khăn, tuy nhiên Thu Hồng chia sẻ, đây là khó khăn chung của tất cả mọi người. Thời điểm này mọi người khỏe mạnh, bình an đã là điều vô cùng quý giá. Khi có sức khỏe thì tiền bạc có thể thể làm ra được. Chính vì vậy, cô lạc quan, gạt lo âu sang một bên và rất háo hức khi nghĩ đến ngày Tết được đoàn tụ gia đình, được ăn cơm mẹ nấu, tận hưởng không khí trong lành ở quê nhà.

Trong khi đó, chị Kiều Hương (30 tuổi, đang làm việc ở Hà Nội) chia sẻ dù dịch bệnh khó lường và đi lại khó khăn nhưng với tâm thế sống chung cùng dịch bệnh, chị quyết định tuân thủ 5K và vẫn về quê ăn tết ở Nam Định.

Để biết được quy định của tỉnh, mỗi ngày, chị đều vào các trang web, hội nhóm mạng xã hội để cập nhật các quy định của tỉnh về việc cách ly đối với người vùng dịch về quê nghỉ Tết. Gần ngày về, chị sẽ nhờ gia đình ra phường hỏi giúp quy định mới nhất. Chị xác định tinh thần chị và gia đình sẽ cách ly tại nhà 7 ngày sau khi về quê, mặc cho thời gian vui chơi dịp Tết sẽ bị rút ngắn.

Với chị, Tết là khoảng thời gian quây quần, đoàn tụ các thành viên trong gia đình. Năm nay, chị và gia đình sẽ nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh, thay đổi một số thói quen như: Tụ tập ăn uống đông người, đến thăm người già, trẻ nhỏ dịp Tết...

Tết cổ truyền đang đến rất gần. Thứ duy nhất mà tất cả những người con xa quê đều khao khát lúc này là được khỏe mạnh, bình an, đoàn tụ với gia đình.../.

Nguồn: T.Tiên - V.Hương/doisongphapluat.com