Có vẻ sau khi cùng đưa ra giới hạn cuối cùng, cả VPF và CLB HAGL đều hiểu rõ việc dắt nhau ra tòa sẽ chỉ đem đến bất lợi cho cả hai. Nên tìm cách đối thoại để hướng đến cái kết tốt nhất có thể.
Đối thoại tốt hơn… đối đầu
Cuộc chiến liên quan đến quyền lợi nhà tài trợ của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và nhà tài trợ CLB HAGL đang trở thành sự kiện nóng của bóng đá VN, liên tục có những "khúc cua gắt". Theo tìm hiểu của Thanh Niên, cuộc họp vào cuối tuần trước giữa VPF và HAGL diễn ra trên tinh thần cầu thị. VPF hướng dẫn HAGL về việc thực hiện trách nhiệm và phạm vi của mình trong các phương thức nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ của CLB. Còn đại diện HAGL cũng bày tỏ những mong muốn của nhà tài trợ, về tần suất xuất hiện, mức độ, kích cỡ… của các bảng biển quảng cáo trên sân và những điều kiện khác. Đôi bên đã không tìm được tiếng nói chung.
Đội HAGL tổ chức sinh nhật cho cầu thủ trước buổi tập chiều 1.2 - CLB HAGL
Điều này dẫn đến "cuộc chiến" công văn vào đêm 30.1, bởi các bên muốn bảo vệ tối đa quyền lợi các nhà tài trợ của mình với nhãn hàng đều là nước tăng lực. VPF vẫn yêu cầu HAGL thực thi đúng quy định của Điều lệ V-League 2023 (không được quảng cáo sản phẩm nước tăng lực là nhãn hàng độc quyền của giải), còn HAGL tuyên bố nếu không cho quảng cáo thì có khả năng bỏ giải.
Cũng theo tìm hiểu của Thanh Niên, có vẻ như sau khi đưa ra các thông điệp khá cứng rắn, cả CLB HAGL và VPF không muốn đẩy sự việc đi quá xa, đến mức phải đối đầu khốc liệt. Thực tế, cả hai đều hiểu nếu phải đưa nhau ra tòa sẽ rất bất lợi. Do vậy, rất có thể đôi bên sẽ có những động thái mềm dẻo hơn, bởi V-League 2023 đã cận kề. Khán giả vẫn hy vọng được nhìn thấy HAGL thi đấu. BTC giải cũng bày tỏ quan điểm, không muốn HAGL bỏ giải với bất kỳ lý do gì. Mọi khâu của công tác chuẩn bị về phía BTC giải vẫn được triển khai như kế hoạch.
Nên vì cái chung của bóng đá Việt Nam
Bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận xét: "Những xung đột quyền lợi nhà tài trợ giữa HAGL và VPF là một trường hợp điển hình, phơi bày những tồn tại trong nền kinh tế bóng đá VN. Bóng đá Việt Nam vẫn còn và có thể sẽ còn những sự việc tranh chấp kiểu này. Bóng đá thế giới cũng đã có những sự việc tương tự. Điều quan trọng là mỗi bên cần thực hiện trách nhiệm của mình, cần có sự chia sẻ, cách hành xử vừa hướng tới môi trường chuyên nghiệp, vừa có trách nhiệm vì phong trào chung. Có thể khẳng định luôn rằng: Nếu ai cũng chỉ tối ưu quyền lợi của riêng mình thì không được!
Chúng ta sẽ nhận thấy rằng chưa có luật sư nào của các bên lên tiếng. Điều này đồng nghĩa cả hai bên chưa nói chuyện với nhau bằng pháp lý. Đó là cơ hội để chúng ta kỳ vọng vào một cái kết đẹp vì nếu vẫn đang giữ đối thoại với nhau thì vẫn còn có khả năng thỏa thuận được. Nhưng như tôi đã nói, tất cả các bên phải dựa trên tinh thần trách nhiệm, cầu thị vì cái chung. Tất nhiên phải có sự hy sinh nhất định, không thể tối đa lợi ích các bên được, không nên khăng khăng tôi đúng hay anh đúng nữa đến mức phải để luật sư vào cuộc".
Bình luận viên Quang Tùng nhận định: "VPF hay HAGL sẽ cần nhìn rõ bức tranh chung, nhưng phải trên khuôn khổ để các bên không bị chịu thiệt thòi. Và phải làm sao để tránh tiền lệ xấu. Quy tắc ứng xử của bóng đá Việt Nam sẽ cần phải thay đổi để đạt quy chuẩn cao hơn. Các văn bản hướng dẫn, các quy định liên quan đến giải đấu phải chi tiết hơn nữa, nhằm bảo vệ quyền lợi của BTC giải, của các CLB và của các doanh nghiệp. Câu chuyện giữa HAGL và VPF sẽ giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm về cách làm, ngữ nghĩa để quy định chặt chẽ hơn, càng rõ càng tốt trên từng chi tiết một để các bên tham gia không mơ hồ. Để làm sao sau này các bên đừng cãi lý, cãi tình với nhau do không hiểu hoặc cố tình hiểu sai"./.
Nguồn: Tiểu Bảo/thanhnien.vn