Ngành giao thông đã cố gắng, nỗ lực hết sức mình để duy trì, đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn, kịp thời trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trong suốt năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã nỗ lực hết sức mình để duy trì “dòng chảy” hàng hóa thông suốt, tăng tốc đẩy nhanh các dự án giao thông.
Không để “dòng chảy” hàng hóa đứt gãy
Ông Phạm Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhớ nguyên vẹn ký ức những ngày tham gia “giải cứu” cho cảng Cát Lái trước nguy cơ tạm ngừng hoạt động tiếp nhận tàu do dung lượng tồn hàng vượt quá công suất.
Đó là những ngày cuối tháng 7/2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa khiến lượng hàng tồn tại bãi cảng Cát Lái tăng lên nhanh chóng. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng, tăng chi phí logistics và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Lật giở từng trang giấy trong cuốn sổ ghi chép họp hành, ông Toàn kể, các giải pháp được thực hiện đồng thời, không kể ngày đêm. Cơ quan chức năng ngày cùng doanh nghiệp tiếp xúc chủ hàng, đêm làm báo cáo để kịp thời tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Các cuộc họp có thể tổ chức luôn trong đêm nếu có vấn đề nổi cộm.
“Khí đó, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang (hiện là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) đã trực tiếp đứng đầu Sở chỉ huy tiền phương được thành lập ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc với hơn 500 doanh nghiệp có hàng nghìn container tồn đọng nhằm xác định loại hàng, khối lượng hàng, vướng mắc để đưa ra phương án xử lý phù hợp,” ông Toàn nói.
Bốc xếp container hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Cảng-Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh Thanh Vũ/TTXVN)
Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ, ngành liên quan, sau khoảng một tuần, hàng hóa qua cảng Cát Lái cơ bản được điều tiết, lượng hàng tồn tại bãi xuống 82,5%, đạt ngưỡng an toàn để tiếp nhận hàng hóa (dưới 85%) cho đến tận bây giờ.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, để kịp thời đón nhận cơ hội và đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông quan, năm 2022, Cục Hàng hải sẽ chỉ đạo xuyên suốt: Khi nào còn COVID-19 thì các doanh nghiệp cảng biển, cảng vụ còn phải chuẩn bị, dự phòng kịch bản điều tiết hàng hóa giữa các bến cảng, tuyệt đối không để cảng tắc, chuỗi cung ứng đứt gãy.
Giữa tháng 7/2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để trực tiếp chỉ đạo hoạt động vận tải chuyên chở hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang phải thực hiện giãn cách xã hội.
Lo sợ dịch COVID-19 nguy cơ lây lan vào địa phương, vào thời điểm tháng 7-8/2020, một số tỉnh thành đã quyết định “ngăn sông cấm chợ” như Hải Phòng, Cần Thơ khiến xe chở hàng hóa “chôn chân” trên Quốc lộ, ùn tắc kéo dài.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu Hải Phòng lập “luồng xanh” của địa phương, đấu nối với “luồng xanh” quốc gia, tạo mọi điều kiện thuận tiện, nhanh chóng nhất cho doanh nghiệp và lái xe vận chuyển hàng hóa.
Ông Thể đề nghị các địa phương rà soát lại các văn bản đã ban hành. Văn bản nào làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” phải dừng áp dụng, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông hàng hóa. Địa phương nào 'đẻ' ra quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm.
“Có thể nói, ngành giao thông đã cố gắng, nỗ lực hết sức mình để duy trì, đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn, kịp thời trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ở mức cao nhất có thể theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,” Bộ trưởng Thể quả quyết.
Những ngày làm việc xuyên đêm
Khi dịch COVID-19 dần dần được kiểm soát, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc bất kể ngày đêm để ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực gồm đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải.
“Có những ngày, các thành viên trong Tổ biên soạn chỉ ngủ được độ chừng 3 tiếng bởi liên tục phải hoàn thiện các quy định, hướng dẫn nhằm phù hợp trong tình hình dịch. Thậm chí, nhiều chuyên viên của các Cục, Vụ trực thuộc Bộ coi văn phòng làm việc là nhà. Có khi, bữa ăn chỉ là chiếc bánh mỳ, gói mỳ tôm để mau chóng vào công việc,” một chuyên viên của Tổ biên soạn chia sẻ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành giao thông vận tải mở “luồng xanh” để vận tải hàng hóa thông suốt. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Chuyên viên này kể có những hướng dẫn làm đi làm lại bản nháp tới cả chục lần để làm sao các quy định, hướng dẫn về kiểm dịch triển khai đi sát vào thực tế tình hình dịch và đảm bảo tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
“Lúc hoàn thành hướng dẫn, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Ngoảnh mặt nhìn đồng hồ cũng chạm ngưỡng 0 giờ của ngày mới. Nhìn người nào tóc tai bơ phờ, mắt đỏ hoe và thâm quầng mí mắt vì ít ngủ. Đến giờ, nhiều anh em trong Tổ biên soạn vẫn thường kể về những kỷ niệm không quên và tự hào vì có những hướng dẫn giúp sớm phục hồi đi lại, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp giữa dịch COVID-19,” vị chuyên viên này bộc bạch.
Bên cạnh việc kiểm tra, đôn đốc, điều hành công tác vận tải, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải còn tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ, các dự án quan trọng của ngành tại khu vực miền Nam như các dự án cầu Mỹ Thuận 2; cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ; dự án sửa chữa, cải tạo đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất; kiểm tra tiến độ các dự án cao tốc Bắc-Nam…; làm việc với các tỉnh, thành phố để đôn đốc công tác chuẩn bị đầu tư các dự án Vàng đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Hồ Chí Minh-Chơn Thành, Hồ Chí Minh-Mộc Bài…
“Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, công trường thi công các dự án giao thông trải dài khắp đất nước vẫn không ngưng nghỉ ngày nào. Những khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu, hỗ trợ tổ chức thi công của các dự án đã được tháo gỡ kịp thời. Đến nay, tiến độ các dự án giao thông trọng điểm đều đang bám sát kế hoạch. Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải được giao giải ngân vốn đầu tư công hơn 43.000 tỷ đồng và đã nỗ lực giải ngân đạt mức 96%, hoàn thành kế hoạch được Chính phủ giao,” Bộ trưởng Thể khẳng định./.
Nguồn: Việt Hùng/vietnamplus.vn