Trong khi nhiều đại học tăng chỉ tiêu ở các phương thức riêng, Đại học Hà Nội, Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp vẫn giữ 50-60% chỉ tiêu từ điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo thông báo tuyển sinh dự kiến, được Đại học Hà Nội công bố giữa tháng 2, trường vẫn giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh. Trong đó, phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 tuyển tối thiểu 50% chỉ tiêu. Dù giảm so với mức 65% của năm ngoái, đây vẫn là phương thức xét tuyển lấy nhiều chỉ tiêu nhất của trường.
Kế đó, trường còn xét tuyển kết hợp theo quy định riêng với chín nhóm thí sinh: Học sinh THPT chuyên; đạt chứng chỉ ngoại ngữ hoặc các bài thi chuẩn hóa quốc tế như ACT, SAT, A-Level; là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia; đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trở lên; tham gia cuộc thi tháng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia; tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM), Đánh giá tư duy (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Với phương thức này, trường lấy 45% chỉ tiêu, trong đó 15% dành cho nhóm thi sinh tham dự các kỳ thi riêng. Đây là lần đầu tiên Đại học Hà Nội sử dụng kết quả từ kỳ thi của hai Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh.
5% chỉ tiêu cuối cùng dành để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đại học Hà Nội hiện chưa thông báo tổng chỉ tiêu, dự kiến tăng nhẹ so với mức 2.635 của năm ngoái. Trường vẫn đào tạo 25 ngành cho chương trình cử nhân, trong đó 13 ngành truyền thống về ngôn ngữ.
Điểm chuẩn 2021 của trường dao động 25,7-37,55. Hầu hết ngành xét điểm thang 40, môn ngoại ngữ nhân hệ số hai. Ngoài Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc cũng lấy trên 37.
Đại học Kinh tế-Kỹ thuật Công nghiệp dù tuyển sinh theo năm phương thức, vẫn dự kiến dành 60% chỉ tiêu, tương đương 2.600 trong số 4.300 chỉ tiêu năm 2022, cho kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Các phương thức còn lại gồm: xét tuyển thằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (5%), dựa vào kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (15%) và Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (15%), xét học bạ (10%).
Điểm chuẩn năm ngoái của trường từ 16,75 đến 21,5, cao hơn mức 15-19,5 của năm 2020.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp 2021 tại điểm trường Tôn Thất Tùng (quận Tân Phú). Ảnh: Quỳnh Trần
Tương tự, Học viện Chính sách và Phát triển cũng dự kiến dành 50% chỉ tiêu cho kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, tương đương 775 sinh viên. Kế đó, hai phương thức xét học bạ và sử dụng hai kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội đều lấy 20%.
Học viện Chính sách và Phát triển dành 10% còn lại để xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như đề án riêng của trường. Với phương thức này, thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ gồm những em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, có chứng chỉ SAT (từ 1.000 điểm trở lên) hoặc ACT (25/36), A-Level (tối thiểu 70 điểm), IELTS (5.0), TOEIC (625), TOEFL (500) hoặc các chứng chỉ khác có điểm quy đổi tương đương.
Năm ngoái, không ngành nào của Học viện Chính sách và Phát triển lấy điểm chuẩn thấp hơn 24. Trong đó, Luật Kinh tế cao nhất - 25, tăng hơn 2 điểm so với năm 2020, còn lại phổ biến mức trên 25.
Năm 2022, hầu hết các đại học đều bổ sung nhiều nhóm thí sinh để xét tuyển riêng, bên cạnh việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vốn được coi là truyền thống. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức khó thể "rời bỏ" lập tức và hoàn toàn bởi đây là kỳ thi mang tính quốc gia, là thước đo chung, tiếp cận thí sinh diện rộng, đảm bảo hầu hết tiêu chí của một kỳ tuyển sinh lớn./.
Nguồn: Thanh Hằng/vnexpress.net