Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, công dân nước này từ 18 tuổi trở lên đang ở nước ngoài có thể bỏ phiếu vắng mặt qua thư, thư điện tử hay fax tùy vào quy định mà tiểu bang họ đã sinh sống.
Nhiều công dân Mỹ đang sinh sống tại Việt Nam có lựa chọn đa dạng. Người đi bỏ phiếu qua thư để bầu chọn nhà lãnh đạo tương lai, nhưng cũng có người chỉ làm "quan sát viên" cuộc đua vào Nhà Trắng của hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris.
Một cuộc bầu cử rất khác
Khi được yêu cầu chia sẻ về cuộc bầu cử Mỹ năm nay, hầu hết công dân Mỹ đang sinh sống tại Việt Nam mà phóng viên Tuổi Trẻ gặp đều từ chối vì họ xem đây là "vấn đề nhạy cảm". Tuy nhiên cũng có một số người thoải mái chia sẻ về "cuộc bầu cử quan trọng bậc nhất thế giới" này.
Anh Brandon Hurley, một người Mỹ gắn bó nhiều năm với Việt Nam và chủ sở hữu kênh YouTube Phúc Mập vlog nổi tiếng, chia sẻ điều anh quan tâm khi đi bỏ phiếu là những vấn đề trong nước hơn là ở nước khác.
Hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris cùng tranh cử tại bang chiến trường North Carolina ngày 2-11 - Ảnh: Reuters
"Trong cuộc đời mình, chúng tôi đã thấy quá nhiều ví dụ về việc Mỹ tập trung nhiều vào các vấn đề quốc tế hơn là các vấn đề trong nước của họ", anh Hurley chia sẻ nhưng từ chối tiết lộ anh đã bỏ phiếu cho ai.
Anh Brandon Hurley cho biết các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ bây giờ rất khác 20 năm trước. Chẳng hạn trước đây các chính trị gia thường nói về những gì họ lên kế hoạch hành động, song các cuộc bầu cử gần đây các ứng viên tổng thống thường tấn công, chỉ trích lẫn nhau.
"Đặc biệt là trong đợt bầu cử năm nay, không một cuộc phỏng vấn của bất kỳ ứng cử viên nào mà người đó không liên tục chỉ trích phía bên kia", chàng trai người Mỹ nêu.
Anh Damien Cole - đạo diễn, diễn viên và nhà biên kịch đang sinh sống ở TP.HCM - cho biết anh đã ở Việt Nam được tám năm từ năm 2016... ngay trước khi ông Trump được bầu làm tổng thống lần đầu tiên.
Anh Damien dự đoán nếu ông Trump thắng sẽ có những cuộc biểu tình giận dữ... Còn nếu bà Harris thắng cũng sẽ có những cuộc biểu tình giận dữ... "Vì vậy dù thế nào đi nữa, tôi rất vui vì mình ở xa sự điên rồ này. Tôi sẽ xem bầu cử Mỹ ở Việt Nam và cười vào những người đang phát điên vì cuộc bầu cử này...", anh Damien tếu táo nói.
Anh Damien kể với Tuổi Trẻ rằng nhiều người anh biết đã mất bạn bè vì cuộc bầu cử năm nay, hay thậm chí các thành viên trong gia đình đã "cạch mặt" nhau vì quan điểm khác biệt đối với hai ứng viên tổng thống. "Tôi không muốn mất bất kỳ người bạn hay thành viên nào trong gia đình. Do đó tôi không đi bầu", anh Damien nói.
Nhận xét về hai ứng viên tổng thống, anh Damien cho biết: "ông Trump rất hài hước, là một diễn giả giỏi và hay nói những điều điên rồ". Về bà Harris, anh Damien nói anh đã biết ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ từ lâu kể từ khi bà là tổng chưởng lý của thành phố San Francisco (bang California), nhưng khẳng định mình không phải là "người hâm mộ nhiệt thành" của bà Harris.
Các công dân Mỹ sống ở nước ngoài, gồm Việt Nam, chọn cách bỏ phiếu qua thư - Ảnh: caltech
Tôi cảm thấy người Mỹ nên hợp tác với nhau. Nếu chia rẽ về lá phiếu cho ứng viên tổng thống, Mỹ còn có Quốc hội, Hạ viện và Tòa án tối cao. Tại sao chúng ta không chiến đấu về những điều đó? - Anh DAMIEN COLE
Kỳ vọng kinh tế
Có khoảng 50 năm sinh sống ở Mỹ, giáo sư Chung Hoàng Chương, cựu giáo sư tại Đại học San Francisco (bang California) và đang sinh sống tại TP.HCM, nhận định xã hội Mỹ hiện nay đang phân hóa rất nhiều và đã có nhiều thay đổi hơn trước.
Theo ông Chương, trong trường hợp ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris đắc cử, phản ứng của phía còn lại cũng có khả năng gây ảnh hưởng mạnh mẽ, như có thể có bạo động hay các tố cáo rằng kết quả là "ăn gian". Đây là những phản ứng không tốt cho nước Mỹ sau ngày bầu cử 5-11.
Dù đã hoàn thành việc bỏ phiếu sớm qua thư, ông Chương dự định sẽ tụ họp một số người bạn tại TP.HCM trong những ngày diễn ra bầu cử để cùng theo dõi và bàn luận về các diễn biến.
Nhận xét về ông Donald Trump, giáo sư Chương cho rằng cách tiếp cận của ứng viên này phần nào cũng đã đánh động một bộ phận người dân Mỹ.
"Tôi cho rằng những người dân sống ở các "tiểu bang đỏ" đang ngày càng cảm thấy họ bị đe dọa, đầu tiên có thể kể đến là công ăn việc làm. Công việc của họ phải chuyển đổi từ công nghiệp nặng sang các ngành công nghiệp nhẹ, công nghệ cao như bán dẫn, nhưng họ lại không được 'tái đào tạo'", ông nhận xét.
Ngoài ra, theo đánh giá của giáo sư Hoàng Chương, chính sách tăng thuế với hàng nhập khẩu vào Mỹ của ứng viên Đảng Cộng hòa sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng và người tiêu dùng Mỹ vẫn là bên chịu thiệt.
Nhận định về bà Harris, ông Chương nghĩ ứng viên này có phần yếu thế vì thời gian vận động của bà có phần kém hơn đối thủ, khi ông Trump đã bắt đầu chiến dịch từ năm 2023.
Nói về kỳ vọng sau cuộc bầu cử, anh Brandon Hurley cho rằng dù ứng viên nào cũng làm như sẽ xảy ra tận thế nếu bên kia chiến thắng nhưng thực tế không phải vậy.
"Một số thứ sẽ thay đổi, nền kinh tế sẽ tốt hơn hoặc tệ hơn, nhưng cuối cùng, người Mỹ cần nhớ rằng tất cả chúng ta đều là công dân của cùng một quốc gia. Để thịnh vượng như một quốc gia, chúng ta phải gạt bỏ những khác biệt và cùng nhau làm việc vì một điều tốt đẹp hơn", anh bộc bạch.
Giống như những người Mỹ ở nước ngoài khác, để có thể bỏ phiếu, công dân Mỹ ở Việt Nam cần xác nhận tư cách bỏ phiếu mỗi năm và ít nhất 45 ngày trước bầu cử để có trong danh sách nhận phiếu bầu vắng mặt.
Trước cuộc bầu cử khoảng 30 ngày, họ sẽ nhận được phiếu bầu qua hình thức điện tử hoặc qua thư, sau đó điền vào phiếu và gửi lại trước hạn chót của mỗi bang. Họ có thể lựa chọn gửi phiếu qua thư, dịch vụ chuyển phát nhanh, fax, thư điện tử... hoặc tại đại sứ, tổng lãnh sự quán Mỹ gần nhất để chuyển phiếu bầu về Mỹ.
Đa số người Mỹ ở Việt Nam nhờ đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ chuyển thư về nước và tin tưởng vào kênh này. Bằng công cụ theo dõi lá phiếu, nhiều người xác nhận lá phiếu của họ đã được công nhận tại Mỹ.
Có rất nhiều trang web cũng như tình nguyện viên, tổ chức vận động bầu cử hướng dẫn người dân cách thức đăng ký bầu cử vắng mặt (qua thư) như các trường hợp là quân nhân Mỹ hoặc công dân Mỹ ở nước ngoài.
Nguồn: Trần Phương - Nghi Vũ - Minh Khôi/tuoitre.vn