Một trong những trăn trở của người dân thành phố đó là làm thế nào để việc cải tạo, chỉnh trang vẫn giữ được hàng cây cổ thụ xung quanh.
“Không biết thời các bạn bây giờ thế nào, nhưng 10 năm trước, đã là sinh viên ở TP.HCM, chắc chắn ai cũng phải đến hồ Con Rùa chơi. Nơi này gắn liền mối tình của chúng tôi suốt thời đại học, gần như ngày nào tôi và vợ mình cũng đến đây”, anh Hồ Minh Tín (ngụ quận Tân Phú) hoài niệm khi lần đầu trở lại hồ Con Rùa (quận 3) sau nhiều năm ra trường.
Hay tin hồ Con Rùa bắt đầu được cải tạo, chỉnh trang từ tháng tới, anh Tín vẫn chưa thể hình dung điểm đến chứa đầy kỷ niệm của mình sẽ "lột xác" ra sao.
Việc chỉnh trang hồ Con Rùa được thành phố lên kế hoạch và có lộ trình rõ ràng, nhiều người dân đã quen với hồ Con Rùa suốt thời gian qua mong chờ sau cải tạo, diện mạo nơi đây sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Song, hầu hết có chung mong muốn bóng mát và những hàng cổ thụ xung quanh khu vực này được giữ nguyên.
Bảo vệ mảng xanh
“Định hướng hồ Con Rùa thành phố đi bộ trong tương lai…”, anh Tín nhắc lại câu nói vừa nghe rồi gật gù bày tỏ ủng hộ. Song, điều khiến người đàn ông băn khoăn nhất là mở rộng nơi này thế nào để giữ lại hàng cây cổ thụ trăm tuổi, thứ đã gắn liền ký ức nhiều thế hệ của người dân thị thành.
Trong trí nhớ của anh Tín, hồ Con Rùa ngày xưa có nhiều cây xanh hơn bây giờ. Sau lần cải tạo gần nhất năm 2015, mảng xanh nơi đây có phần bị thu hẹp. Anh Tín cho rằng trong quá trình cải tạo, mở rộng thành phố đi bộ, nếu các cây cổ thụ bị đốn hạ sẽ là điều rất đáng tiếc.
Biết nhiều hơn về hồ Con Rùa qua quyển sách có tựa Sài Gòn xưa và nay, Võ Trọng Hiếu (freelancer, ngụ quận 3) cho biết cô thường đến hồ Con Rùa trò chuyện cùng bạn bè cuối tuần. Hiếu yêu thích hồ Con Rùa không chỉ vì điểm đến mát mẻ, mà nơi đây còn toát lên vẻ đẹp xưa giữa lòng thành phố.
Võ Trọng Hiếu thường đến hồ Con Rùa trò chuyện cùng bạn bè. Ảnh: Thư Trần.
“Làm gì cũng được, đừng chặt cây là được… Tôi nghĩ việc cải tạo sẽ làm nơi đây càng sạch và đẹp hơn, góp phần tôn vinh giá trị cho thành phố. Đặc biệt, nếu cải tạo lại hồ nước, cá ở đây sẽ có môi trường sống sạch và trong lành hơn”, Hiếu nói.
Hồi tháng 2, UBND TP.HCM chấp thuận đề án cải tạo hồ Con Rùa (Công trường Quốc Tế) bằng nguồn vốn xã hội hóa. Việc cải tạo, chỉnh trang hồ Con Rùa có 2 dự án nhỏ, gồm cải tạo phần lõi, hồ nước do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM thực hiện và dự án cải tạo nâng cấp vỉa hè các tuyến đường xung quanh hồ Con Rùa như Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân, Võ Văn Tần... do quận quản lý.
Bạn trẻ trò chuyện, ăn vặt tại hồ Con Rùa (quận 3) trước một tháng công trình cải tạo, chỉnh trang bắt đầu. Ảnh: Thư Trần.
Theo thiết kế, mỗi tuyến đường sẽ có một chức năng khác nhau như văn hóa, ẩm thực, trình diễn, triển lãm ngoài trời. Trước mắt, quận sẽ cải tạo nâng cấp lề đường, chỉnh trang mảng xanh, hệ thống thoát nước... Diện tích vỉa hè được cải tạo khoảng 3.500 m2, mảng xanh khoảng 2.900 m2, tăng gấp ba lần so với hiện nay.
Thay đổi văn hóa hàng rong
Chị Phạm Phương Trang (ngụ quận Tân Phú) cho rằng ý tưởng phát triển khu vực hồ Con Rùa trở thành phố đi bộ rất đáng trông đợi. Theo chị, thành phố hoàn toàn có thể học hỏi mô hình phố đi bộ ở một số nước trên thế giới, điển hình là phố đi bộ Ximending, Shilin, Raohe… ở Đài Loan.
“Phố đi bộ của họ có sự bố trí rất đa dạng, ví dụ họ tập trung không gian dành cho ăn vặt, văn hóa, mua sắm…”, chị Trang nói và cho rằng việc phát triển hồ Con Rùa trở thành phố đi bộ tương tự sẽ tốt hơn là để việc mua bán diễn ra tự phát như hiện tại.
“Bây giờ ra đây, người bán hàng rong thường trải bạt trên bờ hồ và đánh dấu ‘địa bàn’ của họ. Nếu người dân đến ngồi thì phải ăn uống. Ngày xưa không có chuyện này nhưng do quá lâu không ai quản lý đã tạo thành tiền lệ”, chị Trang nhận xét.
Anh Hồ Minh Tín cũng cho rằng người dân vẫn có nhu cầu mua, ngồi ăn uống tại chỗ. “Tuy nhiên, người bán hàng rong cần có chỗ buôn bán cố định thay vì tạm bợ, phải tháo chạy mỗi khi có lực lượng đô thị đi giải tán, mất mỹ quan”, anh Tín nói.
Người bán hàng rong trải bạt trên thềm hồ đánh dấu khu vực kinh doanh. Ảnh: Thư Trần.
Chính vì vậy, khi biết trong đề án cải tạo của thành phố có kế hoạch tổ chức lại các khu ẩm thực, anh Tín và chị Trang rất hoan nghênh và kỳ vọng việc chỉnh trang hồ Con Rùa lần này không chỉ thêm sạch đẹp, tăng không gian dạo mát mà còn mang lại nhiều giá trị tinh thần khác.
Theo UBND quận 3, địa phương là một trong những quận có cảnh quan, kiến trúc đặc trưng và nhiều di tích lịch sử; tuy nhiên, nơi đây còn thiếu không gian mở, không gian công cộng. Do vậy, trong nhiệm kỳ 2020-2025, chính quyền đặt mục tiêu tạo không gian văn hóa với chuỗi các điểm tham quan du lịch.
Công trình nâng cấp, cải tạo vỉa hè xung quanh khu vực hồ Con Rùa sẽ được thực hiện từ tháng 4. Trước mắt, thành phố cải tạo phần lõi trung tâm, hồ nước. Giai đoạn 2, chính quyền quận 3 ấp ủ đầu tư toàn khu vực hồ Con Rùa theo phương án thiết kế phố đi bộ. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách và xã hội hoá.
Phố đi bộ hồ Con Rùa có quy mô 19.500 m2, chia làm 5 khu chức năng: Khu hồ nước ở trung tâm; khu trình diễn ở đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Công trường Quốc tế); khu văn hoá - triển lãm ở đường Võ Văn Tần (đoạn từ Công trường Quốc tế đến Pasteur); khu ẩm thực ở đường Trần Cao Vân (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Công trường Quốc tế); khu giải trí ở đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Công trường Quốc tế đến Nguyễn Đình Chiểu)./.
Nguồn: baoxaydung.vn