Ngay sau khi giao kế hoạch vốn năm 2022, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo nhiều giải pháp để đảm bảo giải ngân hết số vốn kỷ lục.
Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) về vấn đề này.
“ Dồn lực ngày, đêm trình phê duyệt nhiều dự án quan trọng
Để đảm bảo điều kiện bố trí vốn trung hạn, đường găng nhất là dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ GTVT đã làm xuyên ngày đêm, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 dự án quan trọng Quốc gia, gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để kịp báo cáo Quốc hội trong tháng 3/2022; trình chủ trương đầu tư hai dự án nhóm A thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ dự kiến đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH gồm: Dự án cầu Đại Ngãi và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT ”
Ông Nguyễn Danh Huy
Kế hoạch giải ngân lớn chưa từng có
Trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, ngành GTVT được giao giải ngân số vốn kỷ lục. Ông có thể thông tin cụ thể về số vốn này?
Giai đoạn 2021 - 2025, ngành GTVT được Quốc hội phân bổ hơn 304.100 tỷ đồng vốn ngân sách TƯ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Kế hoạch giải ngân vốn Bộ GTVT kiến sẽ tiếp tục tăng khi Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH dự kiến bổ sung 87.430 tỷ đồng cho 6 dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, số vốn dành cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 72.000 tỷ đồng.
Khối lượng vốn lớn, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư ngắn khi Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chỉ giải ngân trong năm 2022, 2023 tạo ra thách thức rất lớn đối với ngành GTVT.
Riêng năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công Bộ GTVT thực hiện giải ngân được phân bổ thế nào?
Năm 2022, tổng số vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay với 50.328 tỷ đồng gồm: 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 45.400 tỷ đồng vốn trong nước.
Tính đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ, giao cho các chủ đầu tư, ban QLDA khoảng 41.000 tỷ đồng (đạt hơn 82%). Đây là các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện để giao kế hoạch năm.
Còn lại 9.000 tỷ đồng liên quan đến các dự án khởi công mới phải hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định mới có thể giao. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đợt 2. Bộ GTVT sẽ giao kế hoạch năm sau khi Thủ tướng có quyết định giao kế hoạch trung hạn cho các dự án này.
Tạo ra sản lượng công việc là mấu chốt giải ngân
Số vốn này sẽ tập trung vào các nhóm dự án lớn nào, thưa ông?
Năm 2022, công tác giải ngân vốn tiếp tục ưu tiên tập trung cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT đã có quyết định giao gần 17.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục giao thêm vốn nếu các dự án đẩy nhanh được tiến độ.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, số vốn cần giải ngân trong năm 2022 khoảng 5.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT cũng tập trung cho các dự án chuyển tiếp và khởi công mới quan trọng khác. Cụ thể gồm: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đường cất hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Tân Sơn Nhất (giai đoạn 2); nâng cấp QL1 qua Sóc Trăng; luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; tuyến tránh QL1 Cà Mau; 4 dự án đường sắt cấp bách; cải tạo nâng cấp QL37 qua Hải Phòng và đầu tư xây dựng cầu sông Hóa trên QL37…
Cùng đó là nhóm dự án ODA thực hiện chuyển tiếp cũng sẽ được giải ngân vốn để đáp ứng yêu cầu về tiến độ như: Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; tuyến tránh Long Xuyên; cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, W6 Kênh nối Đáy - Ninh Cơ; cải tạo nâng cấp đường sắt đoạn qua đèo Khe Nét.
Rõ ràng áp lực giải ngân số vốn “khủng” trên là rất lớn. Theo ông, khó khăn nhất là gì?
Đó là tạo ra sản lượng công việc. Dự án không thể giải ngân và đủ điều kiện bố trí kế hoạch giải ngân nếu không hoàn thành thủ tục trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư. Chỉ khi làm được điều đó mới có thể thi công để nghiệm thu, thanh toán, tạo cơ sở thực hiện giải ngân và đưa khối lượng giải ngân lũy tiến từng ngày.
Mạnh tay với chủ đầu tư, nhà thầu không hoàn thành
Thi công cao tốc Bắc - Nam khu vực nối tiếp đoạn Cao Bồ - Mai Sơn với đoạn Mai Sơn - QL45
Vậy Bộ GTVT có giải pháp gì để giải ngân hết số vốn được giao, đảm bảo tiến độ và chất lượng?
Chúng tôi xác định rõ, việc cán đích sẽ khó khả thi nếu quá trình triển khai các đơn vị chây ì, bị động. Ngay sau khi giao kế hoạch hoạch vốn năm 2022 cho các chủ đầu tư, ban QLDA, Bộ GTVT lập tức ban hành chỉ thị đôn đốc, nhắc nhở.
Bên cạnh các giải pháp đã thực hiện hiệu quả trong năm 2021, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phân công trách nhiệm cụ thể từng lãnh đạo đơn vị quản lý, theo dõi tiến độ từng dự án; Kịp thời có mặt tại hiện trường phối hợp với địa phương giải quyết các điểm nóng về mặt bằng, vật liệu xây dựng, đảm bảo công trường không ngơi nghỉ.
Chúng tôi yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, từng quý để tập trung chỉ đạo triển khai. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới; tăng tốc trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tư vấn, thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán, thủ tục quyết toán các dự án.
Năm 2021, kế hoạch vốn giải ngân của Bộ GTVT chỉ hơn 43.000 tỷ đồng, song một số chủ đầu tư vẫn không hoàn thành. Các đơn vị đó đã bị Bộ GTVT xử lý trách nhiệm như thế nào, thưa ông?
Thực tế, kết quả giải ngân bình quân chung của Bộ GTVT năm 2021 vẫn thuộc tốp đầu khối các bộ, ngành TƯ, chỉ có một đơn vị không đạt mức bình quân chung (hơn 70%).
Bộ GTVT lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá. Đơn vị nào không hoàn thành theo quyết định giao vốn, không chỉ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ công tác chung mà còn xem xét việc có hay không tiếp tục quản lý dự án khác hoặc điều chuyển bớt nhiệm vụ cho ban QLDA khác.
Với nhà thầu chậm thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung, các ban QLDA phải cảnh báo không cho tham gia các dự án trong tương lai.
Đối với các sở GTVT được giao làm chủ đầu tư chậm giải ngân, Bộ GTVT đã có văn bản gửi đến HĐND, UBND và đoàn đại biểu quốc hội đề nghị đôn đốc, đẩy nhanh, xem xét trong việc phân cấp, giao nhiệm vụ chủ đầu tư trong giai đoạn tới.
Các đơn vị giải ngân chậm, Bộ GTVT đều thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, điều chỉnh kế hoạch (điều hòa kế hoạch vốn) từ các dự án giải ngân chậm cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Chỉ tính riêng năm 2021, Bộ GTVT đã kịp thời nắm bắt vướng mắc, khó khăn, thực hiện 12 đợt điều hòa vốn.
Cảm ơn ông!
Nguồn: Nam Khánh/baogiaothong.vn