Khó hiểu xưởng dầu DO giả 'vô hình' trong khu đất 4.000 m2

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Khó hiểu xưởng dầu DO giả 'vô hình' trong khu đất 4.000 m

Một xưởng nấu dầu DO giả quy mô lớn lại gần như 'vô hình' giữa cánh đồng thuộc thôn 5, xã Bình Trung (H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho đến khi bị công an triệt phá.

Như Thanh Niên thông tin, sau hơn nửa năm đeo bám từ nơi sản xuất đến đường đi tiêu thụ, PV Thanh Niên phối hợp, cung cấp hình ảnh cũng như thông tin ban đầu cho Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về đường dây sản xuất và tiêu thụ dầu DO giả quy mô lớn, liên tỉnh. Ngày 2.3, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ập vào kiểm tra cơ sở nấu dầu DO giả nằm giữa cánh đồng thuộc thôn 5, xã Bình Trung (H.Châu Đức). Theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi “phù phép” từ dầu thải ra dầu thành phẩm, cơ sở này tuồn ra thị trường khoảng 200.000 lít dầu giả mỗi tháng.

Ông Trần Thiện Minh, chủ cơ sở nấu dầu không phép, lúc bị công an bắt quả tang - THANH NIÊN

“Vô hình” giữa cánh đồng

Cơ sở nấu dầu DO giả nằm cuối con đường đất chạy thẳng ra cánh đồng thôn 5, trong khu đất 4.000 m2, cách trụ sở UBND xã Bình Trung khoảng 1 km. Thế nhưng, xưởng dầu giả này dường như vô hình trong tầm mắt của chính quyền địa phương.

Nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên ngạc nhiên vì “khu đất 4.000 m2, xe bồn ra vào liên tục, mà chính quyền địa phương không biết?”. BĐ Nguyễn Xuân Vinh còn nhắc đến chi tiết mỗi lần xưởng gom nấu dầu thải là “khói đen bốc cuồn cuộn qua các ống khói kèm mùi hôi”. BĐ loi1973pham nghi hoặc: “Không chỉ khói đen nghi ngút bay lên trời, mà xưởng nấu dầu này còn chẳng có lấy một giấy phép hoạt động, vậy mà chính quyền xã không có động tĩnh gì?”.

Những lần bí mật tiếp cận cơ sở nấu dầu, PV Thanh Niên ghi nhận cảnh xe tải, xe bồn ra vào liên tục. Các xe tải chở phuy nhớt, dầu cặn, hóa chất và các phụ liệu để nấu dầu DO vào cơ sở, thì vài ngày sau xuất hiện xe bồn đến chở dầu đi tiêu thụ. Các xe bồn vào cơ sở chở dầu DO không kể ngày đêm. Còn tại cơ sở, hoạt động nấu dầu diễn ra liên tục, đốt nhiên liệu từ sáng đến khuya.

Trong bối cảnh cơ quan công an vừa bóc tách một đường dây xăng giả cực lớn, xử lý nhiều cây xăng trên khắp địa bàn các tỉnh thành phía nam, thì thông tin về một xưởng tái chế dầu thải rồi tuồn ra thị trường hàng trăm ngàn lít dầu giả mỗi tháng, ngang nhiên hoạt động trước mắt chính quyền địa phương khiến nhiều BĐ “cảm thấy khó thở”.

BĐ van lam ha đặt câu hỏi: “Tại sao một cơ sở quy mô lớn như vậy, tồn tại lâu như vậy mà không cơ quan chức năng nào phát hiện?”. Trả lời câu hỏi, BĐ Thành nêu ý kiến: “Trách nhiệm để xảy ra vụ việc là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu có việc bao che, dung dưỡng, tư lợi... cần phải nghiêm trị ngay”.

Dầu DO giả đựng trong các bồn chứa dung tích 1.000 lít - T.N

Chặt vòi bạch tuộc

Suốt thời gian đeo bám các chiếc xe bồn ra vào xưởng nấu dầu DO giả, các PV Thanh Niên phát hiện đường dây thu gom dầu thải, dầu cặn, tiêu thụ dầu giả này đã vươn “vòi bạch tuộc” đến tận các mỏ đá ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai), TP.Đồng Xoài (Bình Phước). Từ các bãi sang chiết chớp nhoáng, lượng dầu giả còn len lỏi, tỏa rộng vào nhiều lĩnh vực đời sống. BĐ lamlieu0209 thốt lên: “Rất hoan nghênh Báo Thanh Niên. Đề nghị báo theo sát vụ này để thông tin tới cùng cho độc giả biết”.

Khâm phục sự dũng cảm cũng như đeo bám quyết liệt của nhóm PV Thanh Niên, BĐ Trinh Cuong đánh giá “nhóm PV đã theo dõi, phát hiện, điều tra, ghi nhận… như những trinh sát thực thụ.”.

Đề cập đến đề tài đang rất được dư luận quan tâm trên, đa số BĐ đều mong mỏi tất cả những cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm phải sớm bị xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều BĐ cũng cho rằng cần thêm những biện pháp giám sát quyết liệt hơn để “vòi bạch tuộc bị chặt đầu này không còn khả năng mọc ra đầu khác”.

Cơ sở sản xuất dầu DO giả này hoạt động cách trụ sở UBND xã Bình Trung khoảng 1 km cả nửa năm nay mà UBND xã không hề có động tĩnh gì hết, thật khó hiểu.

Dân Tui

Xăng dầu nhớt giả, dầu ăn giả, dược phẩm giả, thực phẩm bẩn… là gánh nặng cho xã hội. Hành vi làm giả trên là vô đạo đức và xem thường pháp luật. Có phải là luật đã có nhưng chế tài và hình phạt chưa đủ sức răn đe; cũng như sự yếu kém trong quản lý của địa phương khiến nạn làm hàng giả vẫn tồn tại dai dẳng.

T.C

Nguồn: Kim Lan/thanhnien.vn