Hôm nay (23/8), toà tuyên án 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hôm nay (23/8), toà tuyên án 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm

TAND TP.HCM sẽ đưa ra phán quyết sơ thẩm đối với 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm sau nhiều ngày nghị án.

Theo báo VietNamNet, sau một tháng xét xử và nghị án kéo dài, hôm nay (23/8), TAND TP.HCM tuyên án với 254 bị cáo liên quan tới sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Đăng kiểm từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố.

Tuy nhiên, bị cáo này khẳng định chỉ chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng hưởng lợi cá nhân chứ không chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền tham ô của Cục Đăng kiểm.

Khai tại tòa, bị cáo Hình cho hay thông qua luật sư, bị cáo được biết gia đình đã khắc phục 2,8 tỷ đồng và 12.000 USD.

Cũng thừa nhận hành vi như cáo trạng, nhưng bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Đăng kiểm từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022) cho rằng không yêu cầu thuộc cấp phải nâng mức hưởng lợi của mình lên cao nhất.

Lúc đầu, bị cáo Hà nhận trách nhiệm với số tiền 40 tỷ đồng nhận hối lộ tại Cục Đăng kiểm và hơn 8,5 tỷ đồng mà cá nhân bị cáo được hưởng lợi.

Tuy nhiên, trong phần hỏi đáp với luật sư, bất ngờ bị cáo Hà “quay xe”, chỉ nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và số tiền hơn 8,5 tỷ đồng mà cá nhân hưởng. Liên quan tới 40 tỷ đồng mà VKS cáo buộc phải chịu trách nhiệm chung, bị cáo không đồng ý vì “không chỉ đạo cấp dưới nhận hối lộ”.

Bị cáo Đặng Việt Hà - cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong

Về hành vi nhờ bị cáo Lại Thái Phong (cựu Phó chánh văn phòng Cục Đăng kiểm) đưa 100 nghìn USD cho bị cáo Nguyễn Văn Chung (Giám đốc Công ty ATS) "nghe ngóng" xem cơ quan công an xử lý sai phạm gì tại các trung tâm đăng kiểm, bị cáo Hà khai do lúc đó bị hoảng loạn, không tỉnh táo nên mới tìm người dò la thông tin.

Các bị cáo nguyên là đăng kiểm viên đều khai việc nhận hối lộ của chủ phương tiện được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo trung tâm.

Theo kết quả điều tra, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, sau khi nhận chỉ đạo của giám đốc đồng ý cho nhận hối lộ, các đăng kiểm viên phân công nhau lên cabin kiểm tra xem chủ xe có bỏ tiền vào vị trí như cần gạt số, hộc đựng đồ hay trong bao thuốc lá hay không. Nếu có, đăng kiểm viên sẽ bật đèn ra hiệu cho nhau biết, để quá trình kiểm định bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện. 

Trường hợp trên xe không có tiền, các đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi, in phiếu kiểm định lần 1 “không đạt” và yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lại lần 2. 

Còn tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, khi xe vào, đăng kiểm viên lên cabin kiểm tra nếu thấy có để tiền sẽ bật đèn chiếu sáng trước và đèn cảnh báo nguy hiểm. Nếu trên xe không có tiền hối lộ, đăng kiểm viên chỉ để đèn cảnh báo nguy hiểm.

Vì vậy, muốn quá trình kiểm định đạt, hầu hết chủ phương tiện phải để tiền trên xe, hối lộ cho các đăng kiểm viên.

Theo đó, hàng tháng giám đốc các trung tâm đăng kiểm đều phải ra Hà Nội chung chi cho 2 ông này để được bỏ qua các lỗi.

Cục trưởng Đặng Việt Hà được VKS giảm mức đề nghị án

Đại án đăng kiểm là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước với hoạt động đăng kiểm.

Trong số 254 bị cáo, có hai bị cáo là cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà (người kế nhiệm sau khi ông Hình về hưu).

Các bị cáo tại tòa sáng  ngày 18/7. Ảnh: Công an nhân dân

Ban đầu, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà 20 năm tù về tội nhận hối lộ. Tuy nhiên sau đó, ông Hà được giảm mức án đề nghị xuống còn 18-19 năm tù. Bị cáo Hà bị buộc chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 40 tỷ, hưởng lợi hơn 8,55 tỷ đồng.

Quá trình thẩm vấn, bị cáo Hà thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng nhưng cho rằng mình không đề ra chủ trương nhận hối lộ và phân chia quyền lợi.

Đối với bị cáo Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm bị VKS đề nghị 23-25 năm tù về hai tội nhận hối lộ (với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng) và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ của các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.

Tại phần bào chữa, luật sư của bị cáo Hình kiến nghị HĐXX xem xét thân chủ của mình không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Hình mong HĐXX xem xét hoàn cảnh khách quan của hành vi phạm tội.

Về phía VKS, cơ quan công tố nhận định bị cáo Hình chỉ nhận tội khi có nhiều đơn tố cáo về hành vi nhận tiền hối lộ của bị cáo và bị cáo Hà gửi đến CQĐT. Bị cáo Hà cũng thừa nhận biết rõ hành vi tiêu cực xảy ra trong hệ thống đăng kiểm từ khi bị cáo chưa là cục trưởng, tức giai đoạn bị cáo Hình làm cục trưởng.

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Hình cho rằng chỉ vô tình nên ký sai. VKS khẳng định, với vai trò người đứng đầu, được giao trọng trách quan trọng trong việc đảm bảo các xưởng được hoạt động đúng quy định. Do đó, việc bị cáo cho rằng mình không biết sai, việc cấp thông báo không sai, chỉ là những sai sót nhỏ là cố tình chối bỏ trách nhiệm.

Do vậy, dù VKS áp dụng cho bị cáo Hình tình tiết thành khẩn khai báo nhưng mức độ xem xét giảm nhẹ không thể bằng những bị cáo khác có thái độ khai báo thành khẩn và thể hiện sự ăn năn, hối cải cao hơn.

Đến khi nói lời sau cùng, bị cáo Hình đã liên tục thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, ăn năn hối cải và mong muốn được về với vợ. Bị cáo này cũng xin HĐXX khoan hồng cho tất cả các bị cáo trong vụ án để họ có thể tiếp tục tham gia ngành đăng kiểm hoặc làm lại cuộc đời.

Trước đó, phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 tháng (từ 18/7 đến 18/10). Tuy nhiên, qua phần thẩm vấn, tranh tụng, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội nên phiên tòa kết thúc sớm so với dự kiến./.

Nguồn: Thục Hiền/doisongphapluat.com.vn