Hà Nội: Dự kiến 60% đường vành đai 4 sẽ đi trên cao

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hà Nội: Dự kiến 60% đường vành đai 4 sẽ đi trên cao

Dự án đường vành đai 4 nằm trên địa phận TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với dự kiến 60% tuyến đường sẽ đi trên cao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thông tin trên tại hội thảo về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, ngày 14/2.

Theo ông Ngọc Anh, các địa phương có đường đi qua đều đồng tình chủ trương chung là "đi cao", tuy nhiên xây dựng đường trên cao sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, nên sau khi tính toán kỹ sẽ có khoảng 60% tuyến đường đi cao.

Lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4 sẽ tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ vùng thủ đô, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm mà hiện nay đường vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã quá tải trầm trọng.

Dự án sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm (tháng 5/2022). Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ giao các địa phương triển khai đầu tư theo từng hợp phần dự án độc lập.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Võ Hải

Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, thông tin thêm sân bay thứ 2 của vùng thủ đô Hà Nội dự kiến đặt tại phía Nam thủ đô, khu vực ngoài vành đai 4, dự kiến thuộc về địa bàn các huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Sân bay được định hướng bám trục kết nối vành đai 4 với quốc lộ 1, gắn với cao tốc Bắc Nam và đường sắt tốc độ cao dọc tuyến Bắc Nam trong tương lai.

Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Hà, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, cho rằng với tình hình giao thông hiện tại của Việt Nam, triển khai phương án đi theo đường trên cao sẽ giúp giải quyết xung đột giao thông nội vùng. PGS TS Tống Trần Tùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật (Bộ Giao thông Vận tải), đề nghị khống chế mật độ dân cư, xây dựng khi làm đường vành đai 4, tránh bài học quá tải như đường Tố Hữu hay vành đai 3 hiện nay.

Ngoài ra, theo ông Tùng, đề án chưa đề cập sự kết nối giữa đường vành đai 4 với sân bay thứ 2 của vùng thủ đô.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, PGS.TS Trần Chủng đề nghị TP Hà Nội và các địa phương nghiên cứu kỹ dự báo nhu cầu phát triển phương tiện để thiết kế quy mô và phân kỳ đầu tư phù hợp. Ông Chủng dẫn chứng, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mới làm được hai làn, dự kiến sau sẽ làm 6 làn, nhưng dịp Tết nguyên đán vừa qua đã có hiện tượng ùn ứ.

Cũng theo ông Chủng, dự án đường vành đai 4 thiết kế cao tốc trong đô thị nên yếu tố cảnh quan rất quan trọng. "Công trình phải tôn lên được vẻ đẹp đô thị, hài hòa với kiến trúc công trình khác. Do đó nên có quy hoạch tổng thể về mỹ học của tuyến đường", ông nói.

Một số thông số chính của tuyến đường Vành đai 4. Đồ hoạ: Tiến Thành

Dự án vành đai 4 có chiều dài 112,8 km, trong đó qua TP Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19 km; Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến trên 87.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.

Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư. UBND TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là chủ đầu tư thực hiện hợp phần dự án số 1 (bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư), số 2 (xây dựng đường đô thị, đường song hành theo hình thức đầu tư công) trên địa phận của từng địa phương.

Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của hợp phần dự án số 3 - xây dựng đường cao tốc theo hình thức PPP, được phê duyệt, TP Hà Nội sẽ lập hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư./.

Nguồn: Võ Hải/vnexpress.net