Gỡ “nút thắt” giao thông cửa ngõ phía Tây TPHCM

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Gỡ “nút thắt” giao thông cửa ngõ phía Tây TPHCM

Nhiều năm qua, giao thông tại khu vực cửa ngõ TPHCM luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt hướng đi các tỉnh thành miền Tây thường xuyên ùn tắc. Dù danh mục dự án đầu tư hạ tầng giao thông ở khu vực này không ít, nhưng số dự án triển khai chưa được là bao.

 

Cửa ngõ ken đặc phương tiện

Hầu hết phương tiện lưu thông về các tỉnh miền Tây đều phải qua nút giao vòng xoay cầu vượt Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh để vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, hoặc đi tiếp theo hướng quốc lộ (QL) 1A về ĐBSCL. Tại đây, mỗi ngày có hàng chục ngàn phương tiện qua lại, thế nhưng mặt đường QL1, đoạn từ vòng xoay cầu vượt Nguyễn Văn Linh đến nút giao An Lạc (quận Bình Tân) quá nhỏ, khiến giao thông khu vực thường xuyên ách tắc cục bộ. Anh Nguyễn Đình (ngụ quận 6), một tài xế xe dịch vụ thường xuyên đi về các tỉnh miền Tây, cho biết, kẹt xe khu vực này là “món quen”.

Do mặt đường nhỏ, nhiều điểm nút thắt cổ chai nên không đáp ứng nhu cầu đi lại của người và xe. Anh Đình than phiền: “Bề rộng mặt đường QL1 chỉ bố trí làn xe máy rộng 2,5m nên nhiều xe lấn sang đường ô tô. Nhưng đoạn này lại hẹp, dự án mở rộng đường thì ì ạch nhiều năm qua chưa triển khai”.

Cách đó không xa, người dân đi qua QL50 luôn bị kẹt cứng, tai nạn rình rập. Bởi đây là trục giao thông kết nối TPHCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang và đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Sống cặp QL50 (huyện Bình Chánh) hơn 30 năm qua, ông Trần Khánh Vinh (62 tuổi) cho biết, tình trạng kẹt xe trên tuyến đường này xảy ra cả ngày, chứ không còn vào giờ cao điểm.

“Những năm qua, tôi chứng kiến không ít vụ tai nạn trên tuyến QL này. Khi nghe thông tin mở rộng đường, tôi mong mỏi dự án sẽ sớm triển khai để giao thông qua khu vực được khơi thông, giảm ùn tắc, người dân đi lại thuận lợi hơn, nhưng chờ mãi chưa thấy làm”, ông Vinh ngán ngẩm.

Nút giao kết nối đường Võ Văn Kiệt vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương

Khẩn trương khơi thông nút thắt

Nhằm giảm áp lực trên tuyến QL1 cũng như rút ngắn thời gian lưu thông từ trung tâm TPHCM lên cao tốc TPHCM - Trung Lương, tháng 10-2015, đường nối Võ Văn Kiệt vào đường cao tốc được khởi công xây dựng. Dự án có vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 1.600 tỷ đồng, dài 2,7km, lộ giới 60m với 4 làn xe, đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 14m.

Nút giao đường Võ Văn Kiệt nối vào đường cao tốc Trung Lương, đã ngưng thi công hơn 2 năm qua 

Điểm đầu tuyến từ nút giao thông Tân Kiên (điểm cuối của đường Võ Văn Kiệt giao cắt với QL1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) và điểm cuối nối vào nút giao thông Tân Tạo - Chợ Đệm của đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Dự án được kỳ vọng sẽ kết nối thông suốt với nhiều tuyến giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Tây, như đường Võ Văn Kiệt, QL1, đường Kinh Dương Vương... nhưng nhiều năm qua đã bị ngưng cho đến nay! 

Khởi công nhiều dự án xóa nút thắt cổ chai

Theo Sở GTVT TPHCM, năm nay sẽ khởi công Dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức); đường nối Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn, với vốn đầu tư hơn 4.848 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (được bố trí 1.000 tỷ đồng vốn ban đầu).

Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, dự án nút giao đường Võ Văn Kiệt sẽ được ưu tiên đầu tư nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe trên tuyến QL1, hiện đang được tiến hành rà soát cơ sở pháp lý nhằm tái khởi động, đẩy nhanh tiến độ dự án. Ông Bằng cũng thông tin, trong năm nay sẽ có một số dự án quan trọng ở các cửa ngõ thành phố được khởi công.

Khi hoàn thành, các dự án không chỉ góp phần giảm ùn tắc ở cửa ngõ thành phố mà còn có vai trò kết nối liên vùng. Đối với cửa ngõ phía Tây sẽ triển khai dự án mở rộng QL50 và đã được bố trí vốn, đang tập trung đẩy nhanh các thủ tục để có thể sớm khởi công. “Việc triển khai dự án này khá thuận lợi do công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện bằng dự án riêng. Đến nay, mặt bằng đã giải phóng đạt trên 80% khối lượng, huyện Bình Chánh cũng đang tiếp tục triển khai phần còn lại”, ông Bằng cho biết.

Không chỉ các dự án gỡ “nút thắt”, TPHCM cũng đã giao Sở Xây dựng triển khai Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, một số công trình đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 ở khu vực phía Tây sẽ được ưu tiên, như: nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua huyện Bình Chánh để kết nối tỉnh Long An, ĐBSCL; nâng cấp, sửa chữa đường kết nối từ đường Nguyễn Văn Linh vào cao tốc TPHCM - Trung Lương…

Đối với dự án BT cầu đường Bình Tiên từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh (quận 8 và huyện Bình Chánh) với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, thành phố yêu cầu chủ đầu tư dự án hoàn tất thủ tục trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư. Với việc triển khai đồng loạt các dự án như vậy, hy vọng trong tương lai gần, hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ phía Tây thành phố sẽ được thông thoáng, rút ngắn thời gian di chuyển.

Tạo thêm nguồn thu từ quỹ đất dọc tuyến metro

Nhu cầu vốn để xây dựng hạ tầng giao thông của TPHCM từ nay đến năm 2025 cần hơn 533.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 218.239 tỷ đồng và vốn khác (ODA, PPP...) 315.290 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách TPHCM đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng, chỉ đủ để bố trí cho các dự án được chuyển tiếp, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới. Do đó, nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của TPHCM rất khó khăn… 

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND TPHCM các giải pháp huy động nguồn lực. Đặc biệt, sẽ đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến metro, nhà ga metro và vùng phụ cận để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các tuyến này.

 

Nguồn: Quốc Hùng/sggp.org.vn