Sáng 11.10, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của đại diện VKSND TPHCM về quan điểm bào chữa của luật sư Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Trước đó, ngày 10.10, phiên tòa sơ thẩm tiếp tục xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), với phần tranh luận của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bị hại.
Sau khi nghe các luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát (VKS) phát biểu quan điểm đối đáp. Theo VKS, các bị cáo trong vụ án được sắp xếp làm việc tại những công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, đảm nhiệm công việc nhất định và phối hợp, làm việc với nhau trong thời gian dài theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan hoặc cấp trên.
Hành vi của các bị cáo là tiền đề để cho bị cáo khác thực hiện chuỗi hành vi phạm tội khép kín, sử dụng tiền do phạm tội mà có và giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội. Xâu chuỗi tình tiết vụ án, các bị cáo đều phạm tội với vai trò đồng phạm với Trương Mỹ Lan là có căn cứ.
Trương Mỹ Lan tại phiên toà chiều 10.10. Ảnh: Anh Tú
Tại tòa, mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, bản thân không có ý thức chiếm đoạt tài sản và chỉ sử dụng tiền cho các hoạt động kinh doanh của tập đoàn, tuy nhiên, VKS đã đưa ra nhiều bằng chứng để bác bỏ lời khai này.
VKS đã chỉ ra rằng, tiền rút từ ngân hàng SCB đều được sử dụng sai mục đích. Toàn bộ số tiền rút ra từ ngân hàng SCB đều được chuyển về nhà riêng của Trương Mỹ Lan hoặc dùng để trả nợ cho các khoản vay.
Các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát sử dụng tiền của SCB để trả nợ cho chính ngân hàng SCB. Điều này cho thấy một vòng luẩn quẩn và việc sử dụng tiền hoàn toàn không minh bạch.
Trương Mỹ Lan có quyền lực tuyệt đối trong việc điều hành các công ty và ngân hàng, được thể hiện qua việc bị cáo Lan nắm giữ tỉ lệ cổ phần lớn tại các công ty và ngân hàng và hoàn toàn có thể chi phối mọi hoạt động tài chính.
Ngoài ra, theo VKS, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các hoạt động phát hành trái phiếu trái phép. Theo đó, bị cáo Lan đã lên kế hoạch và chỉ đạo các cấp dưới thực hiện việc phát hành trái phiếu để huy động vốn trái phép.
VKS nhận định, bị cáo Lan có vai trò cao nhất, chịu trách nhiệm toàn bộ. Các bị cáo khác chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, làm công hưởng lương và làm theo từng công việc cụ thể được giao.
Theo đại diện cơ quan công tố, khi luận tội, VKS đã ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ, thái độ chuyển biến của bị cáo Trương Mỹ Lan, ý thức khắc phục hậu quả nhưng xét tính chất, mức độ của vụ án, vẫn cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất của tội danh bị truy tố với khung hình phạt cao nhất là chung thân.
Tại tòa, Trương Mỹ Lan đồng ý dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng, đây mới chỉ là phương án, chủ trương bằng lời nói, cần thêm thời gian để có kết quả.
VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Ngô Thanh Nhã (em dâu Trương Mỹ Lan). Ảnh: Anh Tú
Cũng trong phần đối đáp, VKS cho biết, đã nhận được thông báo là các bị cáo Phan Chí Luân, Trần Thị Thúy Ái, Trương Thị Kim Lài đã nộp 10-20 triệu đồng khắc phục hậu quả. Những bị cáo này có hoàn cảnh khó khăn, đã thể hiện tinh thần khắc phục hậu quả. Từ đó, đại diện VKS đề nghị giảm cho mỗi bị cáo 1 năm tù so với mức hình phạt vào ngày 4.10.
Ngoài ra, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Ngô Thanh Nhã (em dâu Trương Mỹ Lan) vì có thêm các tình tiết mới. Trước đó, bị cáo Nhã bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.
Nguồn: Tâm Tú/laodong.vn