FLC đề xuất đầu tư vào dự án 'treo' 18 năm - Sài Gòn Safari

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
FLC đề xuất đầu tư vào dự án 'treo' 18 năm - Sài Gòn Safari

Ngày 21-3, bà Phạm Thị Thanh Hiền, chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết vừa qua huyện đã làm việc với Tập đoàn FLC bàn về đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án Sài Gòn Safari (hơn 456ha) và dự án khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (hơn 910ha).

 

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, tại buổi làm việc, lãnh đạo FLC báo cáo chi tiết về đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án: dự án Công viên Sài Gòn Safari (quy mô hơn 456ha) và dự án khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (quy mô hơn 910ha).

Theo đó, dự án Công viên Sài Gòn Safari tọa lạc tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc khu vực Tây Bắc của TP.HCM, cách trung tâm khoảng 40km. Dự án bao gồm 5 phân khu: khu dịch vụ tổng hợp, khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu vườn thú mở, khu Safari, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp.

Theo phương án, nhiều hạng mục tiện ích cao cấp lần đầu xuất hiện tại Củ Chi sẽ được quy hoạch như: công viên chủ đề theo mô hình Disneyland, vườn thú mở, khu Safari, công viên nước, khu trò chơi mạo hiểm, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao…, phục vụ nhu cầu đa dạng từ vui chơi giải trí đến nghỉ dưỡng sinh thái.

Bên cạnh Công viên Sài Gòn Safari, Tập đoàn FLC cũng đề xuất nghiên cứu dự án thứ hai là khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn, quy mô hơn 910ha tại xã An Phú và xã Phú Mỹ Hưng. 

Dự án sở hữu vị trí đắc địa: phía Bắc và phía Đông giáp sông Sài Gòn, phía Tây và Tây Nam giáp đường tỉnh lộ 15, dễ dàng kết nối với khu di tích lịch sử Củ Chi và dự án Công viên Sài Gòn Safari.

Đất thuộc dự án Sài Gòn Safari bị "treo" nhiều năm đã sẵn sàng cho việc đầu tư - Ảnh: NGỌC KHẢI

Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn được định hướng phát triển theo tiêu chí sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện trạng để trở thành một tổ hợp đa chức năng, khu đô thị đáng sống phía Tây Bắc TP.HCM. Dự án hướng đến trở thành nơi an cư cho khoảng 130.000 - 150.000 người.

Hai dự án do FLC đề xuất sẽ hình thành một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp đô thị đầy đủ tiện ích, giúp bổ sung hạ tầng du lịch cũng như hạ tầng đô thị đồng bộ cho Củ Chi, góp phần thúc đẩy kế hoạch đưa Củ Chi trở thành thành phố trực thuộc của TP.HCM trong giai đoạn 2020 - 2030.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Thanh Hiền cho hay: "Đề xuất đầu tư của FLC huyện đã báo cáo cho UBND TP.HCM xin ý kiến đánh giá về tiềm năng, khả năng đầu tư... của đơn vị. Huyện sẽ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xúc tiến các thủ tục pháp lý theo đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ đầu tư".

Dự án Sài Gòn Safari được cấp phép từ năm 2004 nhưng kêu gọi thu hút đầu tư rất khó. Đến nay dự án này đã "treo" 18 năm, đất đai bị hoang hóa. Dự án này hiện vẫn là điểm nóng khiếu nại đông người, phức tạp dù đã có kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM và Thanh tra Chính phủ (năm 2019). 

Cuối năm 2021, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, lãnh đạo huyện Củ Chi có kiến nghị chuyển dự án thành khu công nghiệp kỹ thuật cao. 

Trước đó, tại buổi làm việc với huyện Bình Chánh, Tập đoàn FLC đề xuất xây khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City (tại xã Tân Nhựt và xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) với quy mô 1.154ha, tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỉ đồng, điểm nhấn là tòa tháp 99 tầng./.

Nguồn: Thái An/tuoire.vn