Con đường vành đai 3 TP.HCM sau hơn 10 năm quy hoạch sắp được triển khai kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc và phát triển các đô thị ở TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương.
Bày tỏ cảm xúc tại hội thảo dự án đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM diễn ra chiều 11-3 ở TP.HCM, nhiều chuyên gia rất xúc động khi con đường mong mỏi đã chuẩn bị thực hiện.
Dự án là nguồn động viên rất lớn không chỉ với ngành giao thông mà còn với các địa phương. Không chỉ vành đai 3 của TP.HCM mà vành đai 4 của Hà Nội cũng được triển khai gấp rút.
Ông LÊ ĐÌNH THỌ (thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Đi trên cao đoạn ở Thủ Đức
Báo cáo tóm tắt về dự án vành đai 3, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP - cho biết đến nay báo cáo tiền khả thi đã được Hội đồng thẩm định nhà nước và Chính phủ thông qua các nội dung để chuẩn bị trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2022.
Theo đó, vành đai 3 giai đoạn 1 dài hơn 76km có tổng vốn đầu tư 75.377 đồng, thực hiện bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương.
Dự án sẽ đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Đường song hành được làm từ 2 đến 3 làn xe, bố trí không liên tục tùy theo nhu cầu phát triển đô thị hai bên.
Ông Phúc cho biết dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh từ 63 đến 74,5m, riêng một đoạn gần nút giao Tân Vạn (TP Thủ Đức) rộng 120m. Phương án giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh sẽ quản lý được quỹ đất để đầu tư tăng làn xe theo quy hoạch.
Mặt khác, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư thấp hơn do giá đền bù để thu hồi đất ngày càng tăng.
"Để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương đã kiến nghị sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các địa phương kiến nghị tách dự án thành 8 dự án thành phần để các địa phương thực hiện. TP.HCM vẫn là cơ quan điều phối chung để đảm bảo nối kết toàn bộ dự án", ông Phúc nêu.
Về phương án thiết kế, dự án có khoảng 13km đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức đi trên cao. Các đoạn đi dưới thấp gồm đoạn đầu tuyến từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến đường tỉnh 25B, đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức.
Đường vành đai 3 dài hơn 90km mới có một đoạn qua tỉnh Bình Dương đưa vào khai thác - Ảnh: Q.ĐỊNH
Phát triển đô thị vệ tinh
Tại hội thảo, ông Lê Đình Thọ - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho hay điều đáng mừng là các địa phương có sự đồng thuận để hành động dứt khoát, phối hợp chặt chẽ.
Sau khi có chủ trương đầu tư, các bên liên quan phải có kế hoạch để triển khai, cố gắng rút ngắn thời gian các khâu như: giải phóng mặt bằng, vật liệu, thi công.
Sau khi nghe tiến độ triển khai vành đai 3, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - rất xúc động khi con đường mong mỏi nhiều năm sắp trở thành hiện thực.
Khi hoàn thành, nó tạo ra không gian phát triển đô thị cho TP nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Là người từng góp ý rất mạnh mẽ về sớm đầu tư các tuyến đường liên vùng, nhất là các đường vành đai, TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho hay rất mừng khi Chính phủ, các bộ ngành cùng với 4 địa phương đã quyết tâm hoàn thành con đường này.
Ông Lịch nói hơn 1/4 thế kỷ qua, khi nghiên cứu vùng Đông Nam Bộ ông đã hình dung vành đai công nghiệp trải dài từ Long An, Tây Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vành đai này hình thành trung tâm công nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn là của khu vực.
Còn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng là tứ giác phát triển sẽ tăng trưởng rất mạnh nếu giải quyết được bài toán tắc nghẽn.
"Chúng ta bàn về thu phí sau khi dự án hoàn thành, tuy nhiên theo tôi quỹ đất mới là quan trọng. Đấy là nguồn lợi lớn khi chúng ta quyết tâm làm", TS Lịch nói.
Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP, cho biết dự án vành đai 3 là động lực cho việc phát triển kinh tế vùng phía Nam và cả nước.
Ông Mãi chia sẻ trước đây dự án vành đai 3 đề xuất đầu tư theo hướng đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, qua tính toán không hiệu quả nên chuyển qua xin ngân sách. Việc thu phí và khai thác quỹ đất vùng phụ cận sẽ được TP lưu ý để có kinh phí làm các công trình khác.
Thu hồi đất vùng phụ cận ra sao?
Theo ông Võ Trung Trực - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, trong bối cảnh TP luôn thiếu nguồn vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng thì việc nghiên cứu thực hiện thu hồi đất nhằm tạo quỹ đất sạch để bán đấu giá tái đầu tư hạ tầng là hết sức cần thiết.
Theo ông Trực, để có thể khai thác quỹ đất hiện có trên địa bàn TP gắn với những dự án đường cao tốc, đường giao thông theo quy định của Luật đất đai 2013 thì đã có thể thực hiện.
Tuy nhiên, để có phương án triển khai khả thi, công việc này cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và phải nghiên cứu thêm Luật đầu tư công, Luật ngân sách, Luật quy hoạch. Đặc biệt là nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như cần thêm một số chính sách đặc thù./.
Nguồn: Đức Phú-Lê Phan/tuoitre.vn
Tin liên quan: https://www.youtube.com/watch?v=JL3mxRMJpKs