Các doanh nghiệp trong nước đã thể hiện sự quan tâm và khẳng định sẵn sàng đóng góp vào các hạng mục tại Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh thành, có 23 ga hành khách (trong đó hai ga cả hành khách và hàng hóa) và 3 ga hàng hóa. Đây được đánh giá là một dự án chưa từng có trong lịch sử của ngành giao thông với trình độ công nghệ tiên tiến mang tính lịch sử.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá với năng lực, trình độ ở trong nước hiện nay, khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ giữa các dải tốc độ 250 km/h, 300 km/h, 350 km/h là tương tự nhau. Nghiên cứu cho thấy nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ công nghiệp xây dựng, tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy tin tưởng doanh nghiệp Việt có thể nắm bắt cơ hội góp phần vào siêu Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Trong những năm qua, doanh nghiệp Việt đã tích lũy đủ năng lực cả về kinh tế lẫn kỹ thuật trong việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông. Từ thiếu kinh nghiệm, các doanh nghiệp đã tự thiết kế, thi công nhiều công trình trọng điểm Quốc gia. Điển hình là cầu dây văng Mỹ Thuận 2 được các nhà thầu Việt thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công. Hay dự án cao tốc Bắc – Nam với các hạng mục xây cầu, hầm đòi hỏi kỹ thuật cao đều do các doanh nghiệp Việt đảm nhiệm.
Bộ GTVT cũng đã khảo sát, làm việc với doanh nghiệp luyện kim, sản xuất thép, Tổng công ty Đường sắt về các tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ đường sắt tốc độ cao, mà hướng tới thị trường lớn hơn là hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị… Do đó, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hoàn toàn có thể tin tưởng khả năng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội góp phần vào siêu dự án.
Trước cơ hội "trăm năm có một", các doanh nghiệp trong nước từ nhiều ngành nghề đã thể hiện sự quan tâm và khẳng định sẵn sàng đóng góp vào các hạng mục.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đánh giá Dự án đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị (metro) đang dần chứng minh vị thế trong hệ thống giao thông, là chìa khóa cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, đối với Dự án có quy mô lớn như dự án đường sắt tốc độ cao, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết: "Tập đoàn Đèo Cả đã và đang là nhà đầu tư, tổng thầu thi công 12/29 dự án công trình trọng điểm quốc gia, bao gồm cả dự án đầu tư công và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Để được tiếp tục dự phần vào những công trình trọng điểm của đất nước, Tập đoàn Đèo Cả đã hoạch định chiến lược tham gia phát triển hạ tầng đường sắt.
Trong ngắn hạn, chúng tôi tập trung thi công để đảm bảo hiệu quả của dự án. Trong trung hạn, sẽ tập trung vào công tác quản lý và vận hành công trình. Xa hơn nữa, trong dài hạn, là tham gia đầu tư các dự án, trong đó tập trung quan tâm theo đuổi dự án đường sắt tốc độ cao và metro. Từ đó, củng cố nguồn lực và trau dồi kinh nghiệm cho Tập đoàn để tham gia các dự án trong tương lai, đặc biệt là hạ tầng đường sắt như dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam…".
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh thành, có 23 ga hành khách và 3 ga hàng hóa. Ảnh minh hoạ
Để “đón đầu” các dự án đường sắt, Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học để tuyển sinh đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt, mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công nhân, kỹ sư, nhà quản lý.
Đèo Cả cũng tổ chức các chương trình công tác nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm chọn lọc "nhập khẩu" chương trình và chuyên gia đào tạo.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả cũng tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản và Trung Quốc. Mục tiêu của sự hợp tác này là chuyển giao công nghệ quản lý vận hành và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu của thị trường Việt Nam.
"Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một dự án có quy mô rất lớn và cần nhiều các đơn vị có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm. Trong thời gian qua, nhiều đơn vị thi công các gói thầu lớn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đang quyết tâm hoàn thành 12 dự án thành phần vào cuối năm 2025. Sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng. Do đó, Chính phủ cần phải có cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp tục tham gia Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trong đó, các hạng mục từ phần dưới ray trở xuống có tính chất tương tự công trình đường bộ (cầu, đường, hầm), cần giao cho doanh nghiệp trong nước có kinh nghiệm thực hiện. Hợp phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… xem xét giao doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài triển khai", lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị.
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cho rằng, ở góc độ kỹ thuật, đường sắt tốc độ cao cũng có cầu cạn, hầm xuyên núi, nền đường như dự án đường bộ cao tốc. Sự khác biệt chủ yếu về độ ổn định của cầu, độ dốc, một số công trình an toàn đòi hỏi nghiêm ngặt, chính xác hơn.
Chỉ ra điểm mạnh của Phương Thành Tranconsin, ông Khôi cho biết với quy mô nhân sự gần 2.000 người, hơn 60% là nhân lực chất lượng cao có thể làm chủ công nghệ cao cùng năng lực thi công các loại cầu lớn, kỹ thuật phức tạp, nếu có cơ hội tham gia, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Phương Thành Tranconsin đã chủ động cử nhân sự đi đào tạo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp… Bước đi tiếp theo là mở viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, mời các "tổng công trình sư" quốc tế dày dặn kinh nghiệm trao đổi chuyên môn để định vị rõ hơn các hạng mục công việc có thể tham gia, công nghệ cần nghiên cứu làm chủ, trang thiết bị cần đầu tư.
Nguyễn Lâm/doisongphapluat.com