Dự án Vành đai 3 TP.HCM rất thiếu cát

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Dự án Vành đai 3 TP.HCM rất thiếu cát

Tháng 5, 6/2024 được xác định là 2 tháng quyết định tiến độ của dự án Vành đai 3. Tuy nhiên, hiện lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.

Thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường thuộc dự án thành phần 1 khoảng 7,1 triệu m3. Năm 2024 cần khoảng 4,7 triệu m3.

Ban Giao thông xác định, tháng 5 và tháng 6/2024 là 2 tháng quan trọng, mang tính quyết định đối với tiến độ của dự án này. Theo đó, đơn vị phải tập kết cát đầy đủ vào tháng 6/2024 để xử lý các nền đất yếu, gia tải... Quá trình này sẽ tốn khoảng 10-12 tháng, mục tiêu là đến tháng 6/2025 hoàn tất; từ tháng 6/2025 - 12/2025 thi công mặt đường, tổ chức giao thông và chuẩn bị thông xe 4 làn xe chính.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.

Dự án Vành đai 3 đang gặp khó vì khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu của dự án. Ảnh: Ban Giao thông.

Hiện tại, Ban Giao thông đang liên tục đôn đốc các nhà thầu tập trung, khẩn trương tìm kiếm nguồn cát san lấp để đưa về công trường phục vụ thi công. Đồng thời, phối hợp với tổ công tác vật liệu, tổ công tác Chính phủ và các địa phương đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm nguồn cát san lấp cho dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Đến nay, các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đã có chủ trương hỗ trợ, cấp cát đắp nền đường cho dự án. Dù vậy, thách thức lớn nhất hiện nay là thủ tục liên quan việc cấp cát trong tháng 6/2024 mới hoàn thành, sau đó, các nhà thầu mới có thể tiếp cận mua thương mại để cung cấp cát về cho dự án.

Ngoài các mỏ cát trong nước, Ban Giao thông đã tính toán việc việc nhập khẩu cát từ Campuchia, nhưng việc này cũng rất nan giải.

Các nhà thầu đang tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến của dự án Vành đai 3. Ảnh: Ban Giao thông.

Theo Ban Giao thông, hiện nay, Campuchia có 3 công ty khai thác mỏ cát được phép xuất khẩu cát là Soktheara, Global Green và Chaktomuk.

Nguồn cát Campuchia ở Việt Nam được nhập khẩu từ nhiều doanh nghiệp có hợp đồng mua cát với khối lượng nhỏ, việc này có thể dẫn đến giá bán sẽ khác nhau giữa các hợp đồng. Do đó, cần thiết phải có doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có năng lực của Việt Nam để đàm phán với doanh nghiệp Campuchia với khối lượng lớn.

Theo thông báo phía đại diện Camphuchia, hiện chỉ có loại cát xây dựng (không phân biệt cát xây dựng và cát san lấp như phía Việt Nam). Điều này cũng ảnh hưởng đến giá thành.

Đối với dự án Vành đai 3 TP.HCM, giá cát nhập khẩu Campuchia về tới công trường sẽ vào khoảng 360.000 đồng/m3 (8,5 USD + vận chuyển từ phao số 0). Việc nhập cát xây dựng về sử dụng làm cát san lấp dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá thành giữa cát nhập khẩu (360.000 đồng/m3) so với cát san lấp tại địa phương (khoảng 230.000 đồng/m3 tính với giá gốc vật liệu do các tỉnh có mỏ ban hành).

Để có đủ lượng cát đưa về công trình, Ban Giao thông kiến nghị, UBND các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre sớm đẩy nhanh tiến độ các thủ tục gia hạn, cấp phép các mỏ cung cấp cho dự án Vành đai 3, đảm bảo tiến độ hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trước ngày 15/6 theo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại thông báo số 225.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, UBND TP.HCM sớm xem xét các kiến nghị của Bộ Công thương, Sở Công thương tại Văn bản số 3586 và số 3199 về vấn đề cung ứng nguồn cát cho các công trình trọng điểm.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có 2 đoạn; đoạn 1 Tân Vạn - Nhơn Trạch (cầu Nhơn Trạch - nút giao Tân Vạn) với chiều dài khoảng 14,73 km và đoạn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (cầu Bình Gởi - cầu Kênh Thầy Thuốc) với chiều dài khoảng 32,62km. Tổng mức đầu tư hơn 22.400 tỷ đồng.

Toàn dự án có 62 gói thầu, trong đó 14 gói thầu xây lắp (10 gói thầu chính và 4 gói thầu phục vụ khai thác). Hiện, tất cả 10 gói thầu xây lắp chính đang đồng loạt triển khai theo kế hoạch đề ra. Trong 10 gói thầu này, có nhóm 4 gói thầu đã khởi công đợt 1 từ tháng 7/2023 gồm xây lắp 3, 6, 8, 9 với giá trị 7.086 tỷ đồng. Các hạng mục chính công trình bắt đầu thi công từ tháng 10/2023.

Hiện tại, các nhà thầu đang tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến; thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm,... và đẩy nhanh tiến độ thi công bấc thấm, gia tải khi đã giải quyết cơ bản nguồn cát cho dự án. Sản lượng đạt 15% giá trị xây lắp./.

Nguồn: Mỹ Quỳnh/baogiaothong.vn