Do ảnh hưởng của “bão giá” và nhiều công nhân trở thành F0, F1 nên nhiều nhà máy, doanh nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Nhà nước sớm điều chỉnh lại lương tối thiểu vùng của người lao động.
Sáng 4-3 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến về nắm bắt tình hình và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các địa phương, ngành.
Nhiều nơi thiếu lao động vì F0, F1
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để có cơ sở báo cáo, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong thực hiện các biện pháp vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng kinh tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành văn bản số 3719 gửi các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành về nắm bắt tình hình lao động.
Tổng hợp số liệu từ các báo cáo cho thấy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ lao động đi làm trở lại sau tết đạt tỷ lệ cao, như: Cần Thơ (100%), Công đoàn Xây dựng Việt Nam (100%), Đà Nẵng (99,8%), Quảng Ninh (98,8%), Thanh Hóa (98,7%), Tây Ninh (98,7%), Phú Thọ (98,5%), Thừa Thiên - Huế (98,4%), Hà Nội (98,1%), Hà Nam (98%), Hưng Yên (97,3%), Hải Phòng (96%); Long An (95%), Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (95%)…
Tuy nhiên vẫn có một số địa phương có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).
Hiện tại, ở nhiều địa phương, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch Covid-19) khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 người), Bắc Giang (22.000 người)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhiều nơi đang thiếu hụt công nhân nghiêm trọng do lao động là F0 hoặc không quay lại
Nhu cầu lao động đang rất lớn
Trong khi năm 2022, các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên.
Nhu cầu cụ thể như sau: Bình Dương (khoảng 90.000 lao động), Long An (khoảng 51.000 lao động), Hải Phòng (trên 50.000 lao động), Tây Ninh (khoảng 46.000 lao động), Kiên Giang (khoảng 44.000 lao động), Cà Mau (khoảng 35.000 lao động), Bắc Ninh (khoảng 30.000 lao động), Hà Nội (khoảng 26.000 lao động), Quảng Ninh (khoảng 24.500 lao động), Bình Phước (khoảng 18.000 lao động), Thừa Thiên - Huế (khoảng 12.000 lao động).
Nhu cầu lao động ở nhiều nơi đang rất lớn nhưng không tìm đủ
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới dự kiến tập trung ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, du lịch, nhóm lao động có trình độ (như quản lý sản xuất, văn phòng, đội ngũ có trình độ ngoại ngữ, xuất nhập khẩu...), tuyển lao động thời vụ.
Dự báo, cạnh tranh trong tuyển dụng lao động sẽ gia tăng trong thời gian tới (giữa các doanh nghiệp với nhau và cả người lao động mới tham gia vào thị trường lao động với lực lượng lao động có kinh nghiệm, có nhu cầu thay đổi công việc).
Nhu cầu lao động ở nhiều nơi đang rất lớn nhưng không tìm đủ
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới dự kiến tập trung ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, du lịch, nhóm lao động có trình độ (như quản lý sản xuất, văn phòng, đội ngũ có trình độ ngoại ngữ, xuất nhập khẩu...), tuyển lao động thời vụ.
Dự báo, cạnh tranh trong tuyển dụng lao động sẽ gia tăng trong thời gian tới (giữa các doanh nghiệp với nhau và cả người lao động mới tham gia vào thị trường lao động với lực lượng lao động có kinh nghiệm, có nhu cầu thay đổi công việc).
Điều chỉnh lương để thu hút lao động trở lại
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng trong nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt lao động nghiêm trọng và đột ngột như hiện nay, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn có phần do giá cả hàng hóa tăng cao nhưng lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng chưa điều chỉnh kịp thời.
Do đó, Công đoàn Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của người lao động tại các khu nhà trọ để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư.
Do lạm phát, giá cả, xăng dầu tăng cao nên đời sống công nhân ở các khu trọ rất khó khăn
Chính phủ cần có cơ chế chính sách hợp lý đảm bảo cuộc sống của người lao động như: quan tâm điều chỉnh lương tối lương tối thiểu vùng, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19… để người lao động yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần đảm bảo nguồn lực lao động trong doanh nghiệp và trên địa bàn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng Chính phủ cần xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và các khoản phúc lợi, quan tâm, cải thiện thu nhập để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài.
Cùng với đó, Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát tình trạng tăng giá xăng dầu, ga, điện, bất động sản... để không kéo theo sự tăng giá các dịch vụ khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân lao động.
Ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: xây dựng nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội để bán cho người lao động với thời hạn trả khoảng 20 năm để người lao động yên tâm làm việc…/.
Nguồn: Văn Phúc/sggp.org.vn