Chiến thắng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 không chỉ đưa ông trở lại Nhà Trắng mà còn giúp ông thoát khỏi các cuộc chiến pháp lý, theo AFP.
Truyền thông Mỹ đã tuyên bố ông Trump là người chiến thắng tại hơn một nửa trong số 50 tiểu bang của Mỹ, bao gồm các bang "chiến địa" quan trọng Georgia, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, tất cả đều bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020.
Điều đó giúp ông Trump có ít nhất 294 phiếu đại cử tri, vượt mức 270 phiếu cần thiết để đắc cử, theo AFP. Cho đến giờ, ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã giành được 223 phiếu đại cử tri.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Trump không chỉ đưa ông trở lại Nhà Trắng mà còn giúp ông thoát khỏi các cuộc chiến pháp lý đang rình rập và các hóa đơn pháp lý tăng vọt, theo AFP.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái, vào tháng 10.2024) và Công tố viên đặc biệt Jack Smith (vào tháng 8.2023) - Ảnh: AFP
Đài NBC News và CNN ngày 6.11 đưa tin Cố vấn đặc biệt Jack Smith đã nói chuyện với các viên chức Bộ Tư pháp Mỹ về việc kết thúc dần hai vụ kiện liên bang chống lại cựu Tổng thống Trump, chỉ vài giờ sau chiến thắng của ông Trump được báo chí Mỹ công bố. Họ cho biết động thái này được thực hiện theo chính sách lâu nay của Bộ Tư pháp Mỹ là một Tổng thống Mỹ đương nhiệm không thể bị truy tố hình sự.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết với đối thủ là Phó Tổng thống Harris rằng ông sẽ cách chức ông Smith "trong vòng hai giây" sau khi nhậm chức.
Tuy Tổng thống Mỹ không có thẩm quyền cách chức công tố viên đặc biệt, nhưng ông Trump có thể chỉ định một Tổng chưởng lý làm việc đó. Ông Trump cũng có thể chỉ cần ra lệnh cho Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ các cáo buộc chống lại mình, theo AFP.
Ông Smith, được Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland bổ nhiệm, đã đệ trình hai vụ kiện chống lại ông Trump, với cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 và xử lý sai các tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Vụ án can thiệp bầu cử đang diễn ra tại Washington D.C nhưng chưa có ngày xét xử và vụ việc trở nên phức tạp hơn do Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng 7 ra phán quyết rằng một cựu tổng thống được miễn truy tố hình sự.
Ông Trump bị cáo buộc âm mưu lừa dối nước Mỹ và âm mưu cản trở một phiên họp chính thức. Đó là phiên họp của Quốc hội Mỹ được triệu tập để chứng nhận chiến thắng của ông Biden, bị một đám đông những người ủng hộ ông Trump tấn công dữ dội vào ngày 6.1.2021.
Vụ án tài liệu mật của ông Trump đã bị một thẩm phán liên bang ở bang Florida, một người được ông Trump bổ nhiệm khi còn làm Tổng thống, bác bỏ với lý do ông Smith được bổ nhiệm một cách bất hợp pháp.
Ngoài ra, ông Trump cũng phải đối mặt với hai vụ án cấp bang ở New York và Georgia. Theo đó, ông Trump đã bị kết án tại New York vào tháng 5 với 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu việc chi tiền bịt miệng diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels trước thềm cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Trump dự kiến bị kết án vào tháng 7, nhưng các luật sư của ông đã yêu cầu hủy bỏ bản án của ông theo phán quyết miễn trừ của Tòa án Tối cao. Thẩm phán Juan Merchan sẽ ra phán quyết về yêu cầu đó vào ngày 12.11 và đã ấn định việc tuyên án, nếu vẫn cần thiết, vào ngày 26.11.
Tại Georgia, ông Trump phải đối mặt với cáo buộc nỗ lực phá hoại kết quả bầu cử năm 2020 tại bang này, nhưng vụ án có khả năng sẽ bị đóng băng trong thời gian ông tại nhiệm theo chính sách không truy tố một tổng thống đương nhiệm, theo AFP.
Nguồn: Văn Khoa/thanhnien.vn