Cách thức Trương Mỹ Lan "rửa" 415.000 tỷ đồng và tuồn 4,5 tỷ USD qua biên giới

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Cách thức Trương Mỹ Lan "rửa" 415.000 tỷ đồng và tuồn 4,5 tỷ USD qua biên giới

C03 cáo buộc, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã cùng nhau "rửa" 445.747 tỷ đồng, trong đó có 415.666 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội Tham ô tài sản của SCB.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa tống đạt kết luận điều tra vụ án lừa đảo, rửa tiền tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vụ án này được tách ra trong quá trình công an điều tra vụ tham ô liên quan Trương Mỹ Lan - người vừa bị tuyên án tử hình.

Tại kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tội Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bên cạnh tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

C03 cáo buộc Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã cùng nhau "rửa" 445.747 tỷ đồng (trong đó có 415.666 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội Tham ô tài sản của SCB và 30.081 tỷ đồng từ nguồn tiền do phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Cụ thể, theo thông tin từ kết luận điều tra, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Lan và đồng phạm đã lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền của Ngân hàng SCB và chiếm đoạt hơn 415.600 tỷ đồng của SCB để phục vụ mục đích cá nhân.

Bà Trương Mỹ Lan.

Để hợp thức, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền trên, đồng thời tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo 5 bị can khác chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền.

Thông tin từ kết luận điều tra chỉ ra, khi cần tiền để sử dụng, bà Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB), Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc SCB) chỉ đạo một số chi nhánh của SCB thực hiện rút tiền mặt trực tiếp tại ngân hàng hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty "ma", cá nhân được chỉ định.

Cụ thể, khi cần rút tiền mặt để sử dụng, bà Lan chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) đến Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền. Hồng, Hoàng và Dung sẽ liên hệ Nguyễn Phương Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty SPG) để yêu cầu lập danh sách pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền.

Phương Anh chỉ đạo các nhân viên kế toán được giao quản lý các công ty ma trong nhóm lập các chứng từ, hẹn các cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp nhân đến ngân hàng để ký chứng từ rút tiền.

Trong khi đó, Thái Thị Thanh Thảo (Giám đốc Trung tâm Whosale SCB chi nhánh Sài Gòn) thông báo cho Trần Thị Thúy Ái (thủ quỹ SCB) và kiểm soát viên ngân quỹ SCB chi nhánh Sài Gòn để xuất tiền mặt ra khỏi quỹ, giao cho Bùi Văn Dũng tại hầm B1 trụ sở SCB.

Sau đó, Dũng vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood (số 127 Pasteur, quận 3, TPHCM) cho bà Lan và giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký bà Lan) để giao tiền cho người nhận theo chỉ đạo của nữ chủ tịch. Ngoài ra, Dũng cũng thường được chỉ đạo mang tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM) hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan.

Khi chưa cần sử dụng tiền mặt ngay, bà Lan chỉ đạo đồng phạm sử dụng pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các công ty được giải ngân đến các tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này. Khi cần sử dụng, các bị can sẽ lập các phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để bà Lan sử dụng.

Theo kết luận điều tra, trong hơn 420.000 tỷ đồng được SCB giải ngân cho nhóm Vạn Thịnh Phát đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân, sau đó tiếp tục chuyển khoản hoặc rút ra sử dụng. Cụ thể, hơn 344.660 tỷ đồng được tổ chức/cá nhân chuyển ra ngoài hệ thống SCB; hơn 2,65 triệu tỷ đồng được chuyển trong hệ thống SCB; hơn 73.500 tỷ đồng được rút tiền mặt.

Sau khi chiếm đoạt được tiền từ SCB, tùy theo mục đích sử dụng mà bà Lan chỉ đạo các bị can khác sử dụng các pháp nhân được thuê và các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đến ngân hàng ký khống giấy nộp/rút tiền, thực hiện ủy nhiệm chi để chạy dòng tiền theo phương án đề ra.

Đích đến cuối cùng của việc chạy dòng tiền là để bà Lan chi trả các khoản vay khác tại SCB; chi thực hiện các dự án; chi cho các cá nhân; thanh toán các khoản nợ; trả gốc và lãi trái phiếu; chuyển tiền cho SCB chi nhánh Cầu Giấy, các chi nhánh khác của SCB; chuyển tiền ra nước ngoài...

Với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cơ quan điều tra xác định bà Lan cùng đồng phạm sử dụng nhiều hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Cùng với đó, số tiền hơn 3 tỷ USD được chuyển ngược về Việt Nam một cách trái pháp luật. Như vậy, tổng số bị các bị can vận chuyển trái phép tương đương hơn 106.730 tỷ, tức 4,53 tỷ USD.

Trước đó, ngày 11/4, TAND TP.HCM tuyên bà Trương Mỹ Lan mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ và Tham ô tài sản. Đến ngày 26/4, từ trại tạm giam, bà Trương Mỹ Lan đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Khánh Ngân/doisongphapluat.com