Các chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất quy hoạch TP Thủ Đức (TP.HCM) chú trọng hơn đến không gian bờ sông, không gian ngầm, kinh tế về đêm...
Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức" vào ngày 5-3.
Quy hoạch phải gắn với đời thường
Sau phần trình bày nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thanh Nhã - giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM - khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đóng góp ý tưởng và thực hiện quy hoạch.
"Bản thân tôi mong muốn quy hoạch phải gắn với đời thường, gắn với thực tiễn và dễ hiểu hơn để người dân và doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp ý kiến cũng như chung tay thực hiện sau khi quy hoạch được phê duyệt" - ông Nhã nói tại tọa đàm.
Còn ông Sử Ngọc Khương - giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Savills Việt Nam - cho rằng TP Thủ Đức cần nghiên cứu sâu sắc hơn không gian kinh tế và không gian đầu tư để thu hút doanh nghiệp.
Quy hoạch phải trả lời được câu hỏi vì sao doanh nghiệp chọn đầu tư vào TP Thủ Đức? Bên cạnh đó, lãnh đạo TP Thủ Đức cũng phải giải được bài toán quỹ đất, tránh tình trạng quy hoạch xong, nhà đầu tư không "vào" được vì giá trị đầu tư rất lớn bởi giá đất tăng.
Quy hoạch TP Thủ Đức phải dễ hiểu để người dân và doanh nghiệp chung tay thực hiện - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Phạm Văn Việt - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - cho rằng quy hoạch của TP Thủ Đức bắt buộc phải giải quyết được bài toán quy hoạch treo, dự án treo để giải phóng quỹ đất. "Cần phải có trung tâm phát triển quỹ đất tiến tới hình thành công ty phát triển quỹ đất công thuộc sở hữu nhà nước. Đơn vị này sẽ cung cấp quỹ đất cho các dự án…".
Đô thị cần có không gian đầu tư để thu hút doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khai thác không gian ngầm và bờ sông
Dưới con mắt của người làm du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch HĐQT Vietravel - nhấn mạnh lợi thế về sông nước của TP Thủ Đức: "Toàn bộ đoạn sông Sài Gòn đẹp nhất của TP.HCM gần như đi qua địa bàn TP Thủ Đức".
"Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch và khai thác loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, cần những dịch vụ ven sông để khai thác du lịch sông, nhất là vào ban đêm" - ông Kỳ nói.
Dẫn chứng đoạn bờ sông đối diện quận 1 hiện nay "buồn hiu, buổi tối không có dịch vụ gì" trong khi nhu cầu giải trí của người trẻ hiện rất lớn, ông Kỳ cho rằng TP Thủ Đức cần triển khai đường bờ sông, đường ven sông, trang bị ánh sáng cho bờ sông để phục vụ người dân, du khách.
Đặc biệt, cần hình thành hệ thống dịch vụ ban đêm để khai thác kinh tế đêm ở TP Thủ Đức. Nếu không có dịch vụ thì khách không đến vào ban đêm, tức TP Thủ Đức đã bỏ phí nguồn lực kinh tế.
Còn ông Trần Quốc Dũng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh - đề xuất TP Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch không gian ngầm. Hiện nay, đất đai và không gian phát triển có giới hạn nên quy hoạch không gian ngầm là một trong những cách mở rộng không gian đầu tư cho đô thị. Tránh tình trạng như trung tâm hiện hữu TP.HCM hiện nay, muốn đầu tư không gian ngầm mà không có quy hoạch.
Kết thúc tọa đàm, ông Hoàng Tùng - chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề cho từng ngành nhằm nghe sâu hơn các góp ý của doanh nghiệp. "Làm sao để đồ án quy hoạch Thủ Đức khả thi nhất và cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng TP để thực hiện quy hoạch" - ông Tùng nhấn mạnh.
Bờ sông là lợi thế của TP Thủ Đức - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Góp ý đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức qua trang web, điện thoại
Người dân và các doanh nghiệp, các tổ chức có thể đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn 2060 qua địa chỉ http:/tpthuduc.hochiminhcity.gov.vn.
UBND TP Thủ Đức còn bố trí ba chuyên viên Phòng quản lý đô thị tiếp nhận ý kiến đóng góp, có thể góp ý qua điện thoại cho các chuyên viên Phòng quản lý đô thị tại các khu vực khác nhau của TP Thủ Đức.
Các doanh nghiệp "hiến kế" gì?
* Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG): TP cần chuẩn bị các điều kiện để phát triển trung tâm tài chính quốc tế (đặt tại TP Thủ Đức) như về hành lang pháp lý, hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thông, có quy hoạch về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính và công nghệ…
Đối với việc phát triển các trung tâm thương mại tập trung, vui chơi giải trí và du lịch, đề xuất quy hoạch một khu đô thị có hạ tầng thuận lợi để phát triển thành đô thị kiểu mẫu, hình thành chuỗi các khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Đồng thời, cần quy hoạch một khu vui chơi giải trí công nghệ cao như Disneyland và khu hoạt động về đêm tại TP Thủ Đức.
* Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: TP cần chú trọng huy động vốn để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối. Nên huy động nguồn vốn của xã hội, vốn từ ngân sách chỉ nên là vốn mồi.
* Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - tổng giám đốc Phuc Khang Corporation: Cần quy hoạch chung TP Thủ Đức theo hướng "đô thị xanh", tiên phong tạo dựng những cộng đồng xanh, lan tỏa những giá trị sống xanh, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, giúp TP Thủ Đức không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế và không gian thực thể mà còn thực sự là đô thị thân thiện, đáng sống và phát triển bền vững.
* Ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch lâm thời Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức: Đề nghị lập hệ sinh thái dệt may với điểm nhấn là trung tâm thời trang tại TP Thủ Đức với diện tích 36,93ha, tổng mức đầu tư dự kiến 9.000 tỉ đồng, mang lại đóng góp về kinh tế, thương mại, du lịch, logistics…
NGỌC HIỂN
Nguồn: Ngọc Hà/tuoitre.vn