Vụ án đầu độc người thân bằng chất độc xyanua tại Đồng Nai gây rúng động những ngày qua khiến dư luận thắc mắc về sự tồn tại của loại chất độc này trên thị trường.
Chất độc Xyanua là gì?
Cyanide (hay còn gọi là xyanua) là 1 hợp chất hóa học có chứa nhóm cyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử cacbon C liên kết ba với một nguyên tử nito N, có thể hiện diện dưới dạng chất lỏng (axit xyanhydric) hoặc chất khí (xyanogen clorua) hoặc chất rắn (muối natri xyanua hoặc kali xyanua).
Ở dạng khí và chất lỏng, các hợp chất xyanua không có màu, đôi khi được mô tả là có mùi "hạnh nhân đắng". Tuy nhiên, rất ít người có thể nhận biết ra mùi đặc trưng này của xyanua.
Chia sẻ thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống, BS.CK2 Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, xyanua là một chất kịch độc thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp như sơn, dệt nhuộm, luyện kim, khai thác vàng, sản xuất thuốc trừ sâu…
Người dùng vẫn có thể mua Xyanua số lượng lớn. Ảnh: Nguồn Internet.
Đặc biệt, xyanua cũng được tìm thấy trong các loại thực phẩm tự nhiên thường gặp như măng tươi, khoai mì, cao lương (hạt bo bo), các loại quả hạch (mơ, táo, đào…) và hạt hạnh nhân…hoặc các thực vật bị nhiễm nấm.
Theo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, xyanua có thể nhiễm vào cơ thể thông qua đường da, đường ăn uống hoặc đường hô hấp. Cơ chế gây ngộ độc của xyanua là gây ức chế hô hấp tế bào, gây ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn, tác động tới các cơ quan trọng yếu như não và tim...
Ngay sau khi tiếp xúc với xyanua, nạn nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng như lo lắng, kích động, mệt mỏi, khó thở, thở gấp, đau đầu, buồn nôn, tụt huyết áp, mất phản xạ... Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Các trường hợp ngộ độc nặng nếu sống sót có thể để lại các di chứng như yếu liệt, rối loạn vận động giống hội chứng giống Parkinson…
Chất độc có thể mua dễ dàng?
Vì là chất kịch độc gây nguy hiểm đến tính mạng đặc biệt có thể trở thành tác nhân gây ra các vụ án mạng nên Xyanua đã bị hạn chế sản xuất, kinh doanh. Cá nhân có thể tự do kinh doanh chất kali xyanua. Tuy nhiên, khi kinh doanh chất này, cá nhân kinh doanh cần tuân thủ các quy định pháp luật.
Khi vụ án đầu độc người thần bằng xyanua bị phát giác, dư luận đã chỉ ra không ít uẩn khúc. Đặc biệt là nguồn gốc số chất độc hung thủ có được từ đâu? Đây là số lượng chất độc không hề nhỏ khi đã sát hại nhiều người như vậy. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng chất kịch độc này có đang được mua bán một cách dễ dàng, thiếu kiểm soát hay không?
Được biết, hiện nay, cá nhân có nhu cầu sử dụng kalixyanua có thể mua được chất này ở các cửa hàng kinh doanh hóa chất, hoặc cũng có thể dễ dàng đặt mua online trên mạng.
Xyanua vẫn có thể mua được dễ dàng trên sàn thương mại. Ảnh: Nguồn Internet.
Nguồn tin trên báo Tuổi trẻ, chất cực độc xyanua hiện được rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, các website và thậm chí là các sàn thương mại điện tử... Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "mua xyanua giá rẻ", hàng chục trang mạng rao bán loại hóa chất "xổ" ra mời chào ngay trước mặt khách hàng.
Tại một trang web của công ty A đang rao bán các hóa chất như Kali xyanua, Potassium xyanua, Potassium cyanide... với khối lượng 50kg/thùng, các loại chất này được quảng cáo có xuất xứ từ USA (Mỹ).
Không chỉ được rao bán bởi các công ty, khá bất ngờ khi sản phẩm cực độc này còn lên hẳn các sàn thương mại điện tử nổi tiếng. "Xyanua giá tốt tháng 7-2024", "Mua xyanua giá tốt, uy tín, chất lượng"... Chỉ cần ấn lệnh đặt hàng, đơn vị bán hàng đồng ý giao hàng trong vài ngày với giá vài trăm ngàn đồng.
Tại một sàn thương mại điện tử nổi tiếng khác, cũng công khai rao bán thuốc thử Mclean 95% Natri xyanua borohydride với giá gần 400.000 đồng/lọ, khối lượng đủ loại từ 5 gam, 25 gam và 100 gam. Sản phẩm được đăng tải bán ghi rõ "không có thương hiệu", toàn bộ bao bì dán chữ nước ngoài.
Trên thị trường, giá lẻ 1kg chất hóa học chứa Xyanua là 335.000 đồng, còn thùng 50kg có giá khoảng 16.750.000 đồng/thùng. Nhiều đơn vị cẩn trọng không bán cho khách hàng lẻ cá nhân, chỉ bán cho doanh nghiệp có mục đích rõ ràng và có giấy phép kinh doanh.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Hồng Điền, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết chất xyanua không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán mà nằm trong danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua. Đồng thời, cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán. Điều này đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường.
Để hạn chế tình trạng này, theo ông Điền, pháp luật cần quy định rõ việc mua bán chất xyanua cần có điều kiện, người mua phải đáp ứng các điều kiện cụ thể mới được phép mua, sử dụng hóa chất trên.
Bảo An (t/h)/doisongphapluat.com