Tỉnh Ninh Bình đang triển khai đề án đến năm 2030, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ.
Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã đề ra quyết tâm xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị Di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Có thể nói, đây là mục tiêu phù hợp với tiềm năng của vùng đất Cố đô Hoa Lư và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.
Hiện nay, dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là 1 trong 4 vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014.
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An được xây dựng thành trung tâm của Đô thị di sản thiên niên kỷ. Ảnh: Trường Huy
Đây cũng là Di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á. Quần thể danh thắng Tràng An hiện có 429 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh, được phân bố đều khắp 18 xã, phường. Đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt, chứa đựng nhiều di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng, các giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo.
Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết, ngày 23.8.2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030, trong đó mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là “Đô thị Cố đô - Di sản”, dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
“Quyết tâm xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành Đô thị Di sản thiên niên kỷ tiêu biểu và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 là mục tiêu phù hợp với tiềm năng của mảnh đất Ninh Bình và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới” - ông Ngọc cho hay.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, từ khi Tràng An được vinh danh là Di sản Thế giới, cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của UNESCO, từ việc củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ đến bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; xây dựng, ban hành văn bản luật, quy chế bảo vệ các di sản thế giới; xây dựng và thực thi các Kế hoạch quản lý; quy hoạch, đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai dự án bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, ngăn chặn nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tại di sản thế giới.
Đặc biệt, việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học... được chú trọng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản tại Ninh Bình, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước, địa phương, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê trong vùng di sản.
"Ninh Bình với mục tiêu xây dựng Ðô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, Tràng An đang mang sứ mệnh mới, trở thành trung tâm của Đô thị di sản thiên niên kỷ, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình" - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định./.
Nguồn: Nguyễn Trường/laodong.vn