Chỉ trong một năm, kể từ ngày tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên (8/3/2021) đến ngày 6/3/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 triệu liều vaccine, thực hiện tiêm chủng hơn 197,5 triệu liều.
Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine ‘đi sau - về trước’ với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết như vậy tại buổi lễ phát động Chiến dịch “Hành trình an toàn,” diễn ra ngày 7/3, do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phối hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động.
Đang nghiên cứu triên khai tiêm mũi vaccine thứ 4
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, góp phần hiệu quả trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Chỉ trong một năm, kể từ ngày tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên (8/3/2021) đến ngày 6/3/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 triệu liều vaccine, thực hiện tiêm chủng hơn 197,5 triệu liều; trong đó người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2: 98,7% và mũi 3: 38,4%. Trẻ em trong độ tuổi 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 99%, mũi 2 là 93,8%.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Theo Thứ trưởng Tuyên, trong thời gian tới, Việt Nam triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và đang nghiên cứu triên khai tiêm mũi vaccine thứ 4. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Bộ Y tế mong muốn và kêu gọi mỗi người Việt Nam chung sức phòng, chống dịch COVID-19, bằng cách tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ theo khuyến cáo của ngành y tế và thực hiện thật tốt Thông điệp 5K, đặc biệt là sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người.
Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phân tích: “Số ca COVID-19 tăng nhanh hiện nay cho chúng ta thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch, bao gồm việc đảm bảo tất cả được tiêm vaccine đầy đủ phòng COVID-19. Thông qua chiến dịch ‘Hành trình an toàn,’ chúng tôi tiếp tục cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy để góp phần quan trọng trong việc duy trì hành trình cứu người, ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng phải nhập viện và giúp mọi người sống khỏe mạnh khi đại dịch bùng phát.”
Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết cùng với các đối tác ở Bộ Y tế và WHO, UNICEF công nhận rằng việc tiêm chủng kết hợp với thực hành phòng dịch đã chứng minh thành công trong việc giảm đáng kể số ca tử vong, cũng như số ca bệnh nặng. Chiến dịch 'Hành trình an toàn' sẽ đem đến những thông tin quan trọng tới mọi ngõ ngách của Việt Nam, đặc biệt với những nhóm yếu thế hơn, xây dựng niềm tin vào sự an toàn của vắc xin phòng COVID-19 đối với mọi lứa tuổi cần tiêm chủng.
“Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo không ai bị lãng quên trong những nỗ lực này, theo thời gian, bao gồm cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Australia, UNICEF sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để giúp điều này diễn ra,” bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Việt Nam đã có đã có hơn 4,4 triệu người mắc bệnh
Hai năm đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có, tác động nặng nề đối với nền kinh tế và xã hội ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu.
Tính đến ngày 6/3, Việt Nam đã có đã có hơn 4,4 triệu người mắc bệnh, xếp thứ 21 trong số 225 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca mắc và thứ 134 trong số 225 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca mắc trên một triệu dân; trong đó 40.813 bệnh nhân đã tử vong.
Chiến dịch “Hành trình an toàn” được phát động nhằm nhấn mạnh và củng cố tầm quan trọng của việc tất cả mọi người cùng tuân thủ các biện pháp thực hành phòng chống dịch COVID-19, bao gồm cả tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam.
Chiến dịch kêu gọi tất cả mọi người duy trì các biện pháp phòng ngừa, như thông điệp 5K, khuyến khích việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả các nhóm dân cư cần tiêm chủng để góp phần hiệu quả ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Ban Tổ chức Chương trình cho hay được thực hiện trong sáu tháng, chiến dịch sẽ góp phần tích cực trong tiến trình "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" mà Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ.
Các thông điệp truyền thông của chiến dịch sẽ được truyền tải thông qua các chương trình trên đài truyền hình và đài phát thanh, các bài báo và các hoạt động trên mạng xã hội, đảm bảo thông tin dễ được tiếp cận nhất có thể. Thông tin cũng được truyền tải bằng các ngôn ngữ dân tộc chính cũng như ngôn ngữ ký hiệu, để kịp thời ứng phó với tình hình đại dịch đang thay đổi nhanh chóng, hoạt động chiến dịch và nội dung truyền thông sẽ được xem xét và điều chỉnh phù hợp.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, chiến dịch là một phần trong hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, được thực hiện thông qua UNICEF, bao gồm triển khai tiêm chủng vaccine, hỗ trợ các nhóm yếu thế, truyền thông cộng đồng và hỗ trợ dây chuyền lạnh.
TikTok Việt Nam sẽ góp phần hỗ trợ quan trọng giúp lan toả chiến dịch trên các kênh của mình. Ngoài ra, các trang Facebook của UNICEF, Bộ Y tế và WHO sẽ cùng chia sẻ thông điệp về chiến dịch tới tổng cộng hơn một triệu người theo dõi. Một số nhóm cộng đồng khác về phòng chống dịch COVID-19 cũng sẽ giúp lan toả các thông điệp của chiến dịch./.
Nguồn: vietnamplus.vn