Trước thực tế một số quốc gia lân cận ngày càng thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, các trường ĐH tại VN đang từng bước thực hiện mục tiêu trở thành điểm đến của sinh viên các nước.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ GD-ĐT, hiện có gần 22.000 sinh viên (SV) nước ngoài đang học tập ở VN, cao nhất trong 9 năm qua. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn rất hạn chế so với mục tiêu mà giáo dục ĐH đặt ra trước đó. Chưa kể có tới 80% đến từ Lào, Campuchia và có tới 4.000 SV học theo diện hiệp định.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 đặt ra mục tiêu VN thu hút số lượng SV là người nước ngoài đến học tập, nghiên cứu đạt tỷ lệ 5% tổng số SV cả nước vào năm 2020. Với tỷ lệ này, năm 2020 con số phải là 95.300 SV và với quy mô hiện tại của giáo dục ĐH thì SV nước ngoài phải đạt hơn 100.000.
Vì thế, hiện nay nhiều trường ĐH đặt ra mục tiêu thu hút người học trong khu vực và trên thế giới.
Sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM học ở thư viện. Hiện có khoảng 200 sinh viên quốc tế tham gia các chương trình trao đổi tại ĐH này - ẢNH: HÀ ÁNH
Bắt đầu chương trình trao đổi sinh viên
PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết việc thu hút SV quốc tế đến học là một trong những mục tiêu mà trường đang hướng tới. Trước mắt, trường thực hiện các chương trình trao đổi SV với việc đưa SV của trường ra nước ngoài và đón SV từ các nước Đông Nam Á, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đức... đến học tập trong thời gian từ 3 - 6 tháng.
Đến thời điểm này, có khoảng 200 SV quốc tế của 13 quốc gia, vùng lãnh thổ từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ đến ĐH Kinh tế TP.HCM học tập trong các lĩnh vực như kinh tế, kinh doanh, kiến trúc, quy hoạch, công nghệ, thiết kế... trong các chương trình trao đổi. Căn cứ vào nội dung hoạt động mà đối tác đưa ra, trường đã thiết kế chương trình đào tạo ngắn hạn đáp ứng đúng yêu cầu, SV học xong đều được kiểm tra, đánh giá và công nhận. Việc trao đổi này có khi là 2 bên miễn phí cho SV theo tỷ lệ 1 - 1, hoặc nếu không thì ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ thu học phí theo mức của trường cộng với phí của các hoạt động bổ sung.
Tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), PGS-TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó hiệu trưởng, cho rằng hoạt động trao đổi SV quốc tế luôn được trường coi trọng và xem đây là yếu tố then chốt trong tiến trình hội nhập giáo dục và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
"Trung bình mỗi năm, trường đón gần 30 SV quốc tế tham gia các chương trình trao đổi ngắn hạn, thực tập và giao lưu văn hóa. SV quốc tế có các ngành học đa dạng, đến từ nhiều quốc gia, trong đó có một số đối tác truyền thống ở Hàn Quốc, Đức và Pháp. Kết quả học tập của SV trong chương trình trao đổi từ 1 đến 2 học kỳ tại trường được các đối tác quốc tế công nhận và tích hợp vào chương trình đào tạo của SV", PGS-TS Phi Anh thông tin.
Mới đây, Trường ĐH Tài chính - Marketing đón SV ngành du lịch Malaysia sang học một học phần trong vòng 2 tháng. PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: "Để thực hiện được việc đào tạo này, trường đã có ký kết hợp tác và thống nhất chương trình để 2 bên có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau, SV dễ dàng chuyển điểm. Ngoài ra, nếu SV nước ngoài cần đánh giá, chứng nhận những chương trình trải nghiệm theo yêu cầu của trường ĐH, trường cũng sẽ thiết kế chương trình trải nghiệm và đánh giá phù hợp, dựa vào quy định của Bộ GD-ĐT về điểm rèn luyện".
Các trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Bách khoa TP.HCM, Quốc tế TP.HCM đều đang thực hiện các chương trình trao đổi SV quốc tế.
Các chương trình hợp tác
Hằng năm, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cũng đón hơn 100 SV quốc tế đến tham gia học tập các chương trình khác nhau từ ngắn hạn 1-2 tuần đến dài hạn 1 năm. Với chương trình dài hạn, trường cung cấp 2 chương trình chính gồm học ngôn ngữ và văn hóa VN, được giảng dạy bằng 3 ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Nhật. Đối với chương trình trao đổi ngắn hạn, trường thực hiện với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Ba Lan, Đức, Tây Ban Nha. SV quốc tế có thể lựa chọn các ngành học như quan hệ quốc tế, quan hệ công chúng, kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Anh, quản trị du lịch và nhà hàng khách sạn...
Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mỗi năm có khoảng 40 - 50 SV quốc tế nhập học chính quy, đa phần đến từ Lào, Campuchia và một số đến từ Philippines, Đài Loan, với các ngành như y khoa, dược học, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, quan hệ quốc tế.
Còn Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhiều năm qua đều có SV đến từ Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... học nhiều chương trình, học phần khác nhau theo chương trình trao đổi SV trong vòng 1-2 học kỳ. Đối với chương trình giao lưu quốc tế, trại hè, trại đông, các học bổng học thuật hay hội nghị thì thời gian trao đổi từ 1 - 3 tuần với 50 - 100 SV quốc tế mỗi năm. Mới đây nhất, trường đã thành lập Trung tâm sự kiện Tây Ban Nha để làm nơi tổ chức các buổi tiếp đón các đơn vị từ Tây Ban Nha như doanh nghiệp, trường ĐH... đến trường hợp tác và làm việc.
Sinh viên nước ngoài học tập theo chương trình trao đổi ở ĐH Kinh tế TP.HCM - ẢNH: UEH
Điều kiện để thu hút sinh viên quốc tế học toàn thời gian
Những chương trình trên là tiền đề quan trọng cho mục tiêu mà các trường đang hướng đến là trở thành điểm đến du học toàn thời gian (full-time) cho SV trong khu vực và trên thế giới.
PGS-TS Bùi Quang Hùng cho rằng để có thể tổ chức học toàn thời gian cho SV quốc tế, chương trình đào tạo cần phải được đồng bộ và chuẩn hóa từ việc giảng dạy, kiểm tra, thi cử. Bên cạnh đó là cơ sở vật chất, vấn đề quản trị... cũng phải đầu tư đồng bộ. "Đặc biệt, việc kiểm định quốc tế hay là có tên trong bảng xếp hạng quốc tế uy tín là yếu tố quan trọng. Các trường ĐH trên thế giới chỉ hợp tác với những đơn vị "cùng đẳng cấp". Bên cạnh đó, SV nước ngoài nếu có ý định đến VN du học chắc chắn sẽ lựa chọn những trường ĐH đã được kiểm định hoặc có xếp hạng", PGS-TS Hùng nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nhận định thu hút SV quốc tế là một bước đi chiến lược với xu hướng quốc tế hóa giáo dục hiện nay, cần phải có kế hoạch chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng về nhiều mặt. Đó là đầu tư vào chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ SV và tăng cường hợp tác quốc tế. "Đặc biệt việc các chương trình đào tạo đạt được kiểm định chất lượng quốc tế là yếu tố rất quan trọng, chứng minh chất lượng đào tạo của trường đạt tiêu chuẩn toàn cầu, tạo sự tin tưởng cho các trường đối tác và SV quốc tế", ông Tuấn cho hay.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, nhận định: "Chắc chắn trong tương lai trường ĐH tại VN có thể trở thành điểm đến để SV nước ngoài lựa chọn du học nếu như năng lực đội ngũ, chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế và môi trường học tập, phòng thực hành, thí nghiệm, chỗ lưu trú... cũng phải đáp ứng được yêu cầu cho SV quốc tế".
TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo
Ngày 24.1.2024, UBND TP.HCM đã có quyết định về việc thành lập tổ công tác và tổ giúp việc triển khai thực hiện đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút SV khu vực và thế giới.
Đề án này được UBND TP.HCM phối hợp với Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH trên địa bàn thành phố cùng triển khai thực hiện. Theo đề án, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực và thế giới; góp phần đào tạo nhân lực bậc ĐH và sau ĐH có trình độ quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục ĐH, sau ĐH về các lĩnh vực chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế để thu hút SV khu vực và quốc tế học tập tại thành phố./.
Nguồn: Mỹ Quyên/thanhnien.vn