Việt Nam cán mốc 5% dân số đầu tư chứng khoán

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Việt Nam cán mốc 5% dân số đầu tư chứng khoán

Tính theo dân số Việt Nam hiện nay khoảng 98,5 triệu người, số lượng tài khoản chứng khoán tính trên đầu người chính thức cán mốc 5%.

Báo Giao thông thông tin, thống kê từ Trung tâm lưu lý chứng khoán Việt Nam cho biết, trong tháng 3/2022, số tài khoản giao dịch nhà đầu tư cá nhân mở mới tăng thêm 271.619 tài khoản.

Như vậy, luỹ kế tới cuối tháng 3/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đã đạt gần 5 triệu tài khoản.

Thị trường cán đích 5% dân số có tài khoản chứng khoán. Ảnh minh hoạ

Cũng theo Trung tâm lưu lý chứng khoán Việt Nam, trong số đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 270.949 tài khoản, luỹ kế đạt 4,93 triệu tài khoản tính đến cuối tháng 3; Tổ chức trong nước mở mới 229 tài khoản, luỹ kế đạt 13.511 tài khoản.

Bên cạnh đó, có cá nhân nước ngoài cũng mở mới 401 tài khoản và tổ chức nước ngoài mở mới 40 tài khoản.

Tính theo dân số Việt Nam hiện nay khoảng 98,5 triệu người, số lượng tài khoản chứng khoán tính trên đầu người chính thức cán mốc 5%.

Nhiều chuyên gia dự báo lượng tài khoản chứng khoán sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới bởi điều kiện tiếp cận thị trường ngày càng được cải tiến, thu nhập tăng và nhu cầu phân bổ vốn đầu tư ra nhiều kênh khác nhau.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, trong năm nay bình quân mỗi tháng thị trường có thêm 150.000 tài khoản mới. Trong khi đó, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng quỹ đầu tư VinaCapital, dự đoán số lượng nhà đầu tư chứng khoán có thể tăng gấp ba lần trong 10 năm tới.

Theo báo Chính phủ, liên quan tới lĩnh vực thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương báo cáo Bộ về việc khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn do dịch bệnh.

Ngoài ra, thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp; tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, từ đó xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).

Đồng thời, rà soát các chế độ chính sách, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với sai phạm. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng lưu ý Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải phối hợp với các đơn vị chức năng, sớm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán./.

Nguồn: Mộc Miên (T/h)/doisongphapluat.com