Theo chuyên gia xử lý khủng hoảng Lê Ngọc Sơn, là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng đang ứng xử thiếu chuyên nghiệp về kỹ năng xử lý khủng hoảng cả mặt truyền thông và pháp lý.
Việc vướng vào rắc rối pháp lý ở nước ngoài như nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, diễn viên Hồng Đăng đang làm bùng nổ những làn sóng dư luận ồn ào, tiêu cực. Là chuyên gia đã tham gia xử lý nhiều vụ khủng hoảng tại Việt Nam và Châu Âu, góc nhìn của anh về sự việc này?
- Đây chính là một dạng khủng hoảng “khó nhằn”. Trong các thể loại khủng hoảng xuất hiện trên truyền thông, nghệ sĩ chính là đối tượng dễ vướng vào hơn cả, so với các ngành nghề khác. Bởi vì đặc thù đến từ chính sự nổi tiếng của họ, nên họ luôn được chú ý nhiều hơn, họ sẽ bị bàn luận, đồn thổi nhiều hơn – so với đối tượng ở các ngành nghề khác.
Hơn nữa, trong các dạng thức scandal – những scandal liên quan đến tình ái, tình dục, tấn công tình dục sẽ luôn nghiêm trọng hơn, chứa các yếu tố mang tính “gây chú ý” nhiều hơn – so với các dạng thức scandal khác.
Bởi vậy, vụ việc lần này đối với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, diễn viên Hồng Đăng, xét ở góc độ khủng hoảng là rất nghiêm trọng. Đánh giá này được đưa ra dựa trên các đặc tính của thông tin đang lan truyền, đang được đăng tải và chia sẻ rộng rãi. Tất cả mọi nguồn tin đều đang bất lợi với hình ảnh của hai nghệ sĩ.
Vụ việc hiện vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức, tội danh chưa có, nhưng khủng hoảng đã diễn ra trên diện rộng với rất nhiều đồn đoán. Sự khủng hoảng còn ảnh hưởng rất lớn đến người thân của 2 nghệ sĩ như vợ con, thậm chí cả mẹ của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng bị đưa vào cuộc.
Tôi đang đưa ra góc nhìn trung lập dựa trên thực tế về xử lý khủng hoảng, tôi không bênh vực và không kết tội ai. Nhưng rõ ràng, việc “tấn công” người thân của 2 nghệ sĩ là rất... kinh khủng.
Cuộc khủng hoảng này lan rộng, dư luận bàn luận rồi sẽ quên, chỉ có những người thân của 2 nghệ sĩ là phải gánh chịu nỗi tổn thương lâu dài.
Chuyên gia xử lý khủng hoảng Lê Ngọc Sơn hiện đang sống và làm việc tại CHLB Đức.
Theo anh, nguyên do cơ bản nhất khiến cuộc khủng hoảng này lan rộng là gì?
- Có rất nhiều lý do để một scandal dạng này bùng nổ thông tin trên các mạng xã hội và dẫn dắt dư luận. Lý do cơ bản nhất nằm ở Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng. Tôi rất ngạc nhiên khi họ là 2 nghệ sĩ nổi tiếng, đã hoạt động lâu năm ở showbiz – nhưng lại không hề có ê-kíp riêng về xử lý khủng hoảng cả mặt truyền thông và pháp lý.
Kể từ khi thông tin được đăng tải trên một tờ báo địa phương của Anh, đến nay đã gần một tuần trôi qua, nhưng phía 2 nghệ sĩ không có bất kỳ một động thái nào để bảo vệ mình, để thanh minh cho mình, hay để ngăn chặn sự việc bị đẩy đi quá xa.
Giống như một khu vườn, “khi bạn không trồng hoa, cỏ dại sẽ mọc đầy”. Hai nghệ sĩ đã để lại khoảng trống truyền thông quá lớn- như khu vườn mọc đầy “cỏ dại”.
Lẽ ra, là nghệ sĩ, là người nổi tiếng, họ cần phải có công ty hoặc một ê-kíp chuyên nghiệp hỗ trợ khi xảy ra những sự cố dạng này. Phải có những người đủ am hiểu, đủ thông minh để có chiến lược bảo vệ cho mình. Ví dụ, về pháp luật phải thuê luật sư ra sao, quy trình bảo vệ như thế nào; về truyền thông, phải ngăn chặn làn sóng đồn thổi ra sao, làm thế nào để tránh được thiệt hại...
Ê-kíp đó sẽ gồm những người có sự am hiểu tinh thông về nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là vấn đề pháp lý, văn hóa pháp lý ở nước sở tại – nơi xảy ra vụ việc, từ đó tìm ra chiến lược bảo vệ số phận pháp lý, số phận truyền thông của 2 nghệ sĩ.
Như chúng ta thấy, khủng hoảng đang gây ra cho 2 nghệ sĩ những thiệt hại rất lớn, ví dụ gia đình họ bị liên đới, cơ quan chủ quản không chịu nổi áp lực dư luận đã phải lên tiếng, giải trình với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, việc 2 nghệ sĩ ra nước ngoài không xin phép được đề cập đến, công việc bị tạm đình chỉ...
Khi một khủng hoảng xảy ra không được ngăn chặn kịp thời sẽ xuất hiện những khủng hoảng liên chuỗi, thứ cấp, giống như vệ tinh bao quanh khủng hoảng chính, việc này để càng lâu sẽ rất khó bóc tách, xử lý.
Nếu có thể xử lý khủng hoảng sớm hơn, theo anh có thể làm cách nào?
- Hiện chưa có kết luận về tội danh, nên tôi tin rằng, có ê-kíp hỗ trợ, các nghệ sĩ sẽ tránh được rất nhiều thiệt hại. Tôi nghĩ, có lẽ không chỉ nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng, hầu hết nghệ sĩ trong showbiz đều không có ê-kíp hỗ trợ chuyên nghiệp về xử lý khủng hoảng, cả ở lĩnh vực truyền thông và pháp lý.
Có lẽ, các nghệ sĩ đã sống quen sống trong hào quang của những ngày nắng rực rỡ, nên không chuẩn bị cho mình kỹ năng để đi qua mọi bão giông. Cách xử lý khi scandal xảy ra đều giống như loài đà điểu chui đầu vào cát để né cơn bão cát đi qua. Xử lý theo hướng như thế để lại rất nhiều hệ lụy và thiệt hại. Với danh tiếng, vị trí có được, tôi nghĩ, thiệt hại của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng trong vụ việc này không thể đo đếm được bằng tiền bạc.
Chưa kể, khi không có chiến lược xử lý còn dẫn đến những tình huống dạng “cho thêm củi vào lò đang cháy”, như việc nhạc sĩ Lưu Thiên Hương trả lời về em rể có nói rằng, “đêm nay cậu ấy sẽ về Việt Nam”... Dư luận sẽ càng có thêm chuyện để bàn tán, câu chuyện sẽ càng trở nên kịch tính hơn.
Theo chuyên gia về xử lý khủng hoảng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng im lặng suốt gần 1 tuần qua, để sự vụ bị kéo đi xa, người thân bị lôi vào cuộc... là thiếu kỹ năng xử lý khủng hoảng. Ảnh: FBNV
Những thiệt hại từ vụ khủng hoảng này sẽ tiếp tục được “tính toán” như thế nào ở 2 trường hợp có thể xảy đến sắp tới: 2 nghệ sĩ có tội và 2 nghệ sĩ không có tội, theo anh?
- Trong trường hợp 2 nghệ sĩ có tội, tôi nghĩ chúng ta không cần phải nói thêm gì, vì thiệt hại sẽ rất rõ và ai cũng có thể nhìn thấy.
Như tôi đã nói ở trên, những scandal liên quan đến tình ái, tình dục, tấn công tình dục luôn ở dạng khủng hoảng “kịch độc”. Con đường trở lại với hoạt động nghệ thuật của Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng sẽ là rất khó. Không ai có thể tiếp nhận được những mẫu hình phạm tội dạng ấy trở lại thành người của công chúng.
Lý do scandal có yếu tố tình ái, tình dục luôn nghiêm trọng hơn các dạng thức scandal khác là bởi nó liên quan đến cả pháp lý và đạo lý. Dư luận sẽ không dễ dàng chấp nhận. Trừ khi 2 nghệ sĩ có những “thuốc giải độc” và nỗ lực thần kỳ nào đó.
Nếu trong trường hợp 2 nghệ sĩ không bị kết tội, lỗi không phải ở họ, lỗi sẽ thuộc về... dư luận, công chúng. Nhưng, như tôi cũng đã nói, vì họ không có ê-kíp xử lý khủng hoảng kịp thời, để thông tin lan rộng, nhân lên mức độ nghiêm trọng với rất nhiều đồn đoán ly kỳ, nếu sau đây họ có trở về, không bị kết tội, thì đâu đó trong dư luận vẫn rất nhiều tàn dư đồn đoán, nghi hoặc.
Chính vì không giải quyết thấu đáo, rốt ráo ngay từ đầu, chặn các nguồn tin sai lệch, để mọi chuyện lan đi quá xa, mà niềm tin của công chúng về Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng đã bị phai nhạt. Cho dù 2 nghệ sĩ không bị tòa án kết tội, họ cũng vẫn bị dư luận nghi ngờ, đặt dấu hỏi. Vốn có câu, “Đám đông sẽ tin theo những điều họ muốn tin”. Với đám đông, 1+1 không luôn luôn bằng 2, mà công thức sẽ là 1+1= thứ mà họ muốn tin hoặc thứ chiều theo cảm xúc của số đông.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, diễn viên Hồng Đăng vốn xuất hiện trên phim và nhiều chương trình của VTV, tôi nghĩ rằng, sẽ rất khó để họ có thể quay trở lại vị trí cũ, được tin tưởng và yêu mến như cũ – như khi scandal chưa xảy ra.
Một cuộc khủng hoảng lớn như thế này xảy ra, nếu không được chặn đứng kịp thời, sẽ vĩnh viễn thay đổi rất nhiều thứ - mà bạn vốn đã phải phấn đấu cả đời để có được.
Điều nghiệt ngã chính là thế, khi chúng ta sa chân, hay phạm lỗi lầm… là dấu chấm hết, xoá sạch một chặng dài cố gắng.
Lê Ngọc Sơn hiện là Chủ tịch Hãng Quản trị Danh tiếng Berlin Crisis Solutions (BCS). BCS là hãng vận động hành lang và quản trị danh tiếng của CHLB Đức, do người Việt làm chủ. Lê Ngọc Sơn từng nhận Giải thưởng xuất sắc về Quản trị khủng hoảng và Vận động Hành lang ở Châu Âu (Excellence in Crisis Management and Lobby Industry) do Tạp chí Thương hiệu Toàn cầu (Global Brands Magazine) của Vương quốc Anh công bố năm 2021./.
Nguồn: Hào Hoa/laodong.vn