Các nhà khoa học ước tính Everest đã cao thêm khoảng 15-50 m do sự thay đổi trong hệ thống sông khu vực này, khi sông Kosi hợp nhất với sông Arun, khoảng 89.000 năm trước.
Everest là ngọn núi cao nhất thế giới, với độ cao hơn 8.840 m so với mực nước biển và thực tế vẫn đang "cao lớn" thêm.
Trước đây, người ta chỉ biết đến nguyên nhân khiến Everest cao lên là do sự va chạm giữa tiểu lục địa Ấn Độ với lục địa Á-Âu. Hiện các nhà khoa học nghĩ tới khả năng do sự sáp nhập lớn của hai hệ thống sông gần đó.
Các nhà khoa học ước tính Everest đã cao thêm khoảng 15-50 m do sự thay đổi trong hệ thống sông khu vực này, khi sông Kosi hợp nhất với sông Arun, khoảng 89.000 năm trước. Tiến trình này khiến Everest cao thêm khoảng 0,2-0,5 mm/năm.
Núi Everest cách thủ đô Kathmandu, Nepal, khoảng 140 km về phía đông bắc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quá trình địa chất - còn được gọi là "sự phục hồi đẳng tĩnh," liên quan đến sự dâng cao của các khối đất trên vỏ Trái Đất khi trọng lượng bề mặt giảm. Việc sông Kosi chuyển hướng đã làm xói mòn gia tăng, tạo ra hẻm núi sông Arun. Việc hình thành hẻm núi này, đi kèm xói mòn đã loại bỏ một lượng đất dọc theo lưu vực, khiến nền đất ở các khu vực xung quanh trở nên nhẹ hơn. Đây được cho là nguyên nhân khiến Everest ngày càng lớn.
Đồng tác giả nghiên cứu, Adam Smith, cho núi Everest tiếp tục lớn do sự xói mòn bề mặt, do các yếu tố như gió, mưa và dòng chảy của sông gây ra.
Các nhà nghiên cứu cho biết quá trình địa chất này cũng đang ảnh hưởng đến các đỉnh núi lân cận gồm Lhotse - đỉnh núi cao thứ 4 thế giới và Makalu, đỉnh núi cao thứ 5 thế giới. Hiện Lhotse có tốc độ "cao lớn" như Everest, trong khi Makalu có tốc độ cao nhanh hơn chút ít.
Nhà địa chất học Jin-Gen Dai tại Đại học Địa chất Trung Quốc nhấn mạnh nghiên cứu này cho thấy bản chất của hành tinh, ngay cả những thứ tưởng như bất biến như Everest cũng đang trải qua các quá trình địa chất. Điều này nhắc nhở con người rằng Trái Đất liên tục biến đổi./.
Nguồn: Thúc Anh/vietnamplus.vn