Vì sao mưa liên tục mà TP.HCM vẫn nắng nóng gần 40 độ C?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Vì sao mưa liên tục mà TP.HCM vẫn nắng nóng gần 40 độ C?

Sau những trận mưa lớn hồi giữa tuần, hôm nay 12.4, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ tiếp tục có nắng nóng gay gắt, vì sao?

Tại TP.HCM, nắng xuất hiện từ sáng sớm, đến giữa trưa nắng nóng gay gắt, nhiều người cảm nhận nhiệt độ lên tới 37 - 39 độ C. Dù đến 16 giờ nhưng nắng vẫn còn bỏng rát. Trong khi đó, nhiệt độ khí tượng cao nhất phổ biến từ 34 - 35 độ C.

Giải thích về hiện tượng thời tiết những ngày qua, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn nói: Những hôm đầu và giữa tuần, không khí lạnh ở phía bắc suy yếu tạo điều kiện cho áp thấp nóng Ấn Miến phát triển sang phía đông ảnh hưởng đến nước ta. Nên các tỉnh miền Trung và Nam bộ cơ bản xuất hiện nắng nóng trên diện rộng.

Sau 2 ngày có mưa liên tục, TP.HCM lại xuất hiện nắng nóng gay gắt - ẢNH: CHÍ NHÂN

Riêng ở Nam bộ, đồng thời với áp thấp nóng Ấn Miến, là rãnh áp thấp xích đạo ở phía nam dịch lên kết hợp với nhiễu động gió đông từ biển vào gây mưa. Do mưa cục bộ và nhiều nơi lượng mưa tương đối thấp nên khi mưa kết thúc thì thời tiết lại bị chi phối bởi áp thấp nóng phía tây. Ở khu vực miền Đông, vừa qua vẫn còn mưa trái mùa. Trong khi đó, ở miền Tây, đặc biệt khu vực các đảo và vùng bán đảo Cà Mau đã xuất hiện gió tây nam tầng thấp và chưa ổn định nên mưa ở khu vực này đã có mưa chuyển mùa.

Hôm nay (12.4) không khí lạnh cuối mùa ở phía bắc có cường độ khá mạnh đang tác động đến thời tiết nước ta, đến khoảng ngày 14 - 15.4 sẽ suy yếu. Đợt không khí này sẽ khuếch tán nhẹ xuống Nam bộ nên những ngày tới nắng nóng có phần bớt gay gắt. Do sự tranh chấp giữa các khối khí cũng như gió đông và gió tây nam tầng thấp nên thời tiết Nam bộ sẽ có đặc trưng mưa 1 - 2 buổi chiều sau đó là một vài ngày nắng nóng. Nắng nóng có xu hướng phát triển mạnh ở miền Đông Nam bộ và Tây nguyên.

Qua đầu tháng 5, gió tây nam xuất hiện nhiều hơn, ổn định và từ tầng thấp lên tầng cao, cũng là lúc mùa mưa bắt đầu. Mùa mưa sớm nhất ở Nam bộ thường là Kiên Giang, Cà Mau. Còn tại miền Đông mùa mưa bắt đầu sớm nhất ở Bình Phước. Các nơi khác sẽ bắt đầu mùa mưa trong khoảng từ ngày 5 - 10.5.

Do nhiệt độ không khí giai đoạn chuyển mùa thường xuyên biến động mạnh cũng như gió đông và gió tây nam nên thường xuất hiện các hiện tượng cực đoan như giông lốc, sét, mưa đá, lốc xoáy và vòi rồng.

Chiều nay, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ tiếp tục phát tin cảnh báo mưa, giông, sét cho một số khu vực ở Cà Mau và An Giang. Lượng mưa phổ biến từ 3 - 10mm, có nơi trên 20mm./.

Nguồn: Chí Nhân/thanhnien.vn