Trước đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao mỗi năm đến Tết, các bộ ngành liên quan phải lấy ý kiến các phương án nghỉ Tết?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản xin ý kiến 16 cơ quan, bộ ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2025 trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Cụ thể, bộ đề xuất nghỉ hai ngày trước và ba ngày sau Tết, từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng Giêng Ất Tỵ, tức từ thứ bảy ngày 25-1 đến hết chủ nhật 2-2-2025.
Nếu phương án được thông qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ nghỉ lễ kéo dài 9 ngày liên tiếp gồm 5 ngày nghỉ chính thức và 4 ngày nghỉ cuối tuần.
Trước đề xuất trên, nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao mỗi năm đến Tết, phải xin ý kiến về phương án nghỉ Tết?
Theo chuyên gia của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), căn cứ khoản 3 điều 112 Bộ luật Lao động 2019, cục xây dựng dự thảo phương án nghỉ Tết Nguyên đán và Quốc khánh 2-9 để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Sau khi Thủ tướng quyết định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thông báo lịch nghỉ lễ, Tết cho các cơ quan liên quan và người dân được biết.
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán không cố định qua các năm do cơ quan chuyên môn phải căn cứ các điều kiện kinh tế - xã hội, từ đó đề xuất phương án nghỉ linh hoạt, hài hòa nhất.
Phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Trước khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, quy định nghỉ Tết âm lịch vẫn là 5 ngày. Chẳng hạn, 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết hoặc 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết.
Chuyên gia trên nói thêm đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Đối với người lao động trong doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo theo hướng quy định "mở", khuyến khích áp dụng vì nhiều công ty có lao động xa nhà, có lịch sản xuất kinh doanh đặc thù…
Doanh nghiệp có quyền tự quyết lịch nghỉ căn cứ vào phương án do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, tuy nhiên phải thông báo trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày để người lao động chủ động mua vé tàu, vé xe, sắp xếp công việc, kế hoạch.
Trước ý kiến nên chăng cố định nghỉ Tết Nguyên đán, chẳng hạn từ 28 Tết, chuyên gia của Cục An toàn lao động cho rằng cần nghiên cứu thêm vì ngày này thay đổi hằng năm và khi đề xuất cần cân đối số ngày nghỉ trước và sau Tết.
Theo phương án đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày liên tiếp do 5 ngày nghỉ Tết âm lịch chính thức nằm giữa 4 ngày nghỉ cuối tuần chứ không phải có 9 ngày nghỉ Tết như một số người vẫn nghĩ./.
Nguồn: tuoitre.vn