Mưa lớn, cốt nền nhiều vị trí thấp so với mực nước sông và hệ thống thoát nước chưa được xây dựng là lý do khiến đường gom đại lộ Thăng Long ngập sâu.
Hai ngày 23-24/5, một số khu vực ở đại lộ Thăng Long bị ngập 30-60 cm, ảnh hưởng lớn đến trục kết nối giao thông từ phía Tây thành phố trở và nội đô. Hiện tượng ngập úng diễn ra nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Hai ngày qua nhiều khu vực thủ đô mưa tới 300-500 mm, so với trung bình nhiều năm là "bất thường". Phía Tây Hà Nội các dự án thoát nước cơ bản chưa được triển khai nên chỉ chịu được lượng mưa dưới 50 mm. "Mưa lớn như vậy, phía Tây ngập là đương nhiên", ông Sơn nói.
Ngập úng ở đường gom đại lộ Thăng Long ngày 23/5. Ảnh: Phạm Chiểu
Cốt nền hầm chui dân sinh của đại lộ Thăng Long thấp, chỉ 4,9-5,2, trong khi mực nước sông Nhuệ (nơi thoát nước tự nhiên của đại lộ Thăng Long) ngày 23/5 chỉ 5, nghĩa là mực nước sông tương đương nền hầm chui khiến nước không kịp thoát, thậm chí chảy ngược trở lại, gây úng ngập cho khu vực.
Ông Sơn cho biết, hiện việc thoát nước khu vực đại lộ Thăng Long phụ thuộc vào mực nước cầu Ngà và sông Nhuệ. Khi mưa, nước chảy tự nhiên vào hệ thống mương nông nghiệp, chảy ra cầu Ngà và sông Nhuệ. Theo quy hoạch, khu vực này có trạm bơm Đào Nguyên, nhưng chưa được đầu tư.
Để giải quyết tình trạng ngập úng khu vực đại lộ Thăng Long, ông Sơn cho rằng cần giao một đơn vị đầu tư tuyến cống dọc đại lộ Thăng Long cũng như xây trạm bơm Đào Nguyên.
Với các khu vực khác trên địa bàn, năm 2022, Công ty Thoát nước Hà Nội dự báo còn 11 điểm ngập úng. Cụ thể lưu vực sông Tô Lịch có 8 điểm gồm: Phố Nguyễn Khuyến (trước cổng trường Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa); phố Hoa Bằng (từ số nhà 91 đến 97 và số 54 đến 56, quận Cầu Giấy); ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm); phố Cao Bá Quát (đoạn qua Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, quận Ba Đình); phố Thụy Khuê (dốc La Pho, quận Tây Hồ); phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng); phố Nguyễn Chính (đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai, quận Hoàng Mai).
Lưu vực sông Nhuệ có một điểm là khu vực đại lộ Thăng Long (đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, km9+656; nút giao An Khánh, quận Nam Từ Liêm). Khu vực sông Cầu Bây (quận Long Biên) có 2 điểm gồm: Phố Ngọc Lâm (đoạn từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm); đường Hoàng Như Tiếp (đoạn từ trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ).
Công nhân công ty thoát nước hướng dẫn cho phương tiện qua khu vực ngập nước tại đường Cổ Linh (Long Biên) sáng 24/5. Ảnh: Phạm Chiểu
Lãnh đạo công ty thoát nước cho biết, các điểm ngập ở lưu vực sông Tô Lịch nguyên nhân chủ yếu là các dự án chưa triển khai, ví dụ phố Nguyễn Khuyến đang có dự án cải tạo hồ Linh Quang; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt cũng đang vướng dự án nhà ga S12, tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Khu vực sông Cầu Bây và lưu vực sông Nhuệ có các điểm đen ngập úng do chưa triển khai dự án thoát nước, chủ yếu nước tự chảy.
Phó tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội cho hay, trong khi chờ các dự án thoát nước triển khai và khớp nối đồng bộ, để giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ, công ty sẽ duy trì nạo vét, bảo đảm hệ thống thoát nước, các nguồn tiêu thông thoáng trước mùa mưa. Đối với các trạm bơm, đơn vị cũng đã bảo dưỡng, sửa chữa để sẵn sàng vận hành.
Công ty cũng phối hợp với các đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án cải tạo sông Cầu Bây, kênh La Khê - nối sông Nhuệ với Trạm bơm Yên Nghĩa, phá đường công vụ, dẫn dòng nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước; cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành các trạm bơm nông nghiệp tiêu úng, thoát nước trong trường hợp có mưa lớn, mực nước sông dâng cao.
Theo quy hoạch, việc tiêu thoát nước cho TP Hà Nội được phân làm ba vùng: Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội.
Vùng Tả Đáy (hơn 47.000 ha) với nguồn xả là sông Hồng, Nhuệ và sông Đáy. Địa bàn 12 quận nằm ở lưu vực sông Tô Lịch thuộc vùng Tả Đáy. Lưu vực sông Tô Lịch đã được đầu tư hệ thống thoát nước cơ bản hoàn chỉnh (Dự án thoát nước giai đoạn 1, 2) với cường độ mưa thiết kế 310 mm/2 ngày, với chu kỳ 10 năm.
Vùng Hữu Đáy (hơn 31.000 ha) và Bắc Hà Nội (khoảng 46.700 ha), hầu hết hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng.
UBND TP Hà Nội đánh giá, trong giai đoạn 2021 đến 2025, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao, việc phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải là cần thiết, nhất là ở lưu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ (vùng Tả Đáy), khu vực các quận Hà Đông, Long Biên và Thị xã Sơn Tây./.
Nguồn: Võ Hải/vnexpress.net