Hai đoạn dài 6 km đều ở TP Thủ Đức, nằm trong 14 km còn lại để khép kín tuyến Vành đai 2, dự kiến trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm nay, tổng vốn dự tính 17.000 tỷ đồng.
Theo đó, đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dự kiến vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 8.600 tỷ đồng. Đoạn 2 dài 2,8 km, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn hơn 8.400 tỷ đồng.
Giai đoạn đầu, cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ theo thiết kế; làm trước đường song hành hai bên và xây dựng hoàn chỉnh các nút giao.
Nếu được chấp thuận, đây sẽ là một trong dự án giao thông chi phí đầu tư đắt nhất nước khi trung bình một km cần hơn 2.800 tỷ đồng để hoàn thành.
Lý giải mức kinh phí đầu tư cao, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết cả 2 đoạn chưa khép kín của Vành đai 2 đi qua đô thị, diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn, nhiều nút giao phức tạp khiến chi phí đầu tư đắt đỏ.
Trong đó, đoạn 1 kinh phí đền bù ước tính hơn 6.400 tỷ đồng (chiếm 74%), trong khi chi phí xây dựng chiếm gần 20%, với hơn 1.600 tỷ; còn lại quản lý dự án, dự phòng... Tương tự, kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn 2 cũng cần hơn 5.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 65% nguồn vốn); phần xây lắp gần 2.300 tỷ (chiếm 27%); còn lại dùng cho tư vấn, dự phòng...
Ngoài hai đoạn vừa được đề xuất đầu tư, còn có đoạn 3 dài 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) triển khai thi công từ cuối năm 2017. Công trình đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khiến dự án dừng từ tháng 3/2020 đến nay, khi đạt khoảng 44% khối lượng.
Đoạn 4 của tuyến vành đai 2, dài 5,3 km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh cũng dự tính đầu tư công. Dự án có tổng đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng.
Trước đây TP.HCM tính triển khai xây 4 đoạn này theo phương thức đối tác công - tư (PPP), song không khả thi nên chuyển qua đầu tư công.
Đường vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP.HCM.
Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, dài hơn 64 km, đến nay đã xong khoảng 50 km. Đây được xem là tuyến quan trọng giúp phân luồng, giảm ùn tắc ở nội thành, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc.../.
Nguồn: kenhcongdong.com