Đất dọc Vành đai 3 TP HCM dự kiến đấu giá mức 15 triệu đồng mỗi m2, thấp hơn 1,7 lần giá đền bù giải phóng mặt bằng dự án, do chưa tính đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Thông tin trên được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP) nêu với báo chí sáng 28/5. Trước đó, trong thẩm tra báo cáo tiền khả thi dự án, Kiểm toán Nhà nước đề nghị làm rõ giá dự kiến đền bù đất dân cư của dự án là 26 triệu đồng mỗi m2, cao gấp 1,7 lần mức 15 triệu đồng mỗi m2 thành phố tính đấu giá. Hơn 38 ha đất hai bên tuyến sẽ được TP HCM đấu giá, thu về hơn 10.000 tỷ đồng.
Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp đang diễn ra. Giai đoạn một, dự án giải phóng mặt bằng hơn 640 ha đất, với gần 3.900 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng làm dự án khoảng 41.600 tỷ đồng, trong đó TP HCM có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỷ đồng.
Hướng tuyến Vành đai 3 TP HCM. Đồ họa: Khánh Hoàng
Theo ông Phúc, kinh phí đền bù 26 triệu đồng mỗi m2 đất trong khu dân cư được TP HCM tính bao gồm tài sản trên đất, xây khu tái định cư; phí dự phòng đền bù, tái định cư; mức hỗ trợ áp dụng thời điểm năm 2022. Trong khi đó, mức dự kiến đấu giá tối thiểu 15 triệu đồng một m2 được TP HCM và các địa phương tính toán sơ bộ, chưa gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
"Khi dự án triển khai, mở thêm các tuyến giao thông kết nối, kéo theo nhu cầu đầu tư hạ tầng đô thị ở khu vực cao sẽ giúp tăng giá trị đất phục vụ đấu giá với mức cao hơn", ông Phúc nói.
Lãnh đạo TCIP cho biết trong các bước tiếp theo, TP HCM sẽ thực hiện công tác đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Thành phố đảm bảo tính đúng, tính đủ cũng như triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, đảm bảo họ có nơi ở mới tốt hơn.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Vành đai 3 đoạn ở Bình Dương hoàn thành. Ảnh:Gia Minh
Vành đai 3 TP HCM tổng chiều dài gần 92 km, mang vai trò chiến lược trong kết nối giao thông, kinh tế vùng trọng điểm phía Nam. Giai đoạn một, tuyến được được đề xuất đầu tư dài hơn 76 km, kinh phí hơn 75.378 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương.
Để đảm bảo bố trí vốn theo tiến độ dự án khi được thông qua, ông Phúc cho biết nguồn từ ngân sách địa phương tham gia giai đoạn 2023-2024 chủ yếu ở TP HCM (13.326 tỷ đồng) và Bình Dương (5.350 tỷ đồng). Đây là hai địa phương có điều kiện thu ngân sách lớn, dự kiến huy động được khi phục hồi kinh tế sau dịch. Trường hợp cần thiết, các tỉnh thành sẽ báo cáo Chính phủ phát hành trái phiếu đảm bảo đủ nguồn vốn./.
Nguồn: Gia Minh/vnexpress.net