Tuyển sinh Y khoa không có môn Sinh - hướng mới gây tranh cãi

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Tuyển sinh Y khoa không có môn Sinh - hướng mới gây tranh cãi

Bên cạnh khối B00 truyền thống với Toán, Hóa, Sinh, nhiều đại học mở rộng xét tuyển ngành Y khoa bằng các tổ hợp không có môn Sinh.

Năm 2022, thay vì sử dụng duy nhất tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) để xét tuyển ngành Y khoa, đào tạo bác sĩ đa khoa, như mọi năm, Đại học Y Dược Thái Bình lần đầu tuyển ngành này với ba tổ hợp. Ngoài B00 và B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh), trường có thêm D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh).

Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên cũng tuyển sinh với ba tổ hợp tương tự Y Dược Thái Bình. Học viện Quân Y hay Đại học Y Dược Hải Phòng xét tuyển bằng cả A00 (Toán, Lý, Hóa).

Chỉ tiêu và tổ hợp xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của Đại học Y Dược Thái Bình.

Những tổ hợp không có môn Sinh còn được sử dụng để tuyển vào ngành Y khoa tại các trường như Đại học Kinh doanh và Công nghệ (A00), Đại học Đại Nam (A00, A01), Đại học Phan Châu Trinh, Quảng Nam (A00), Quốc tế Hồng Bàng, TP HCM (A00, D07); Nam Cần Thơ (D07); Trà Vinh (A00), Tân Tạo, Long An (A00, D07).

Trước lựa chọn mở rộng tổ hợp môn thi Y khoa theo hướng không có môn Sinh, PGS.TS Ngô Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, trường Y Dược Thái Bình cho rằng, chuyện này không quá quan trọng. Trường sử dụng thêm hai tổ hợp chứa môn tiếng Anh, D07 và B08, vì nhận thấy tầm quan trọng của Tiếng Anh trong lĩnh vực Y Dược, cũng như nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế và nhu cầu của xã hội. Ngoài việc đưa vào các tổ hợp có môn Tiếng Anh, nhà trường cũng ưu tiên cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL.

Theo ông Bình, chương trình học ngành Y hiện đã đổi mới, không còn môn Sinh học ở bậc đại học mà thành module kết hợp. Tại Đại học Y Dược Thái Bình, module này được gọi là Khoa học cơ bản.

"Chúng tôi tham khảo chất lượng và kết quả đào tạo ở những trường đã tuyển sinh bằng tổ hợp không có môn Sinh. Kết quả cho thấy về cơ bản không có vấn đề gì, sinh viên vẫn theo được. Bởi những em lựa chọn Y khoa với điểm chuẩn ở mức 27-28 thường có sức học tốt, có thể học đều các môn", ông Bình thông tin.

Đại diện Đại học Y Dược Thái Bình cho rằng mở rộng tổ hợp xét tuyển cũng tạo thêm cơ hội cho thí sinh.

Sinh viên khối ngành Khoa học sức khoẻ, Đại học Nguyễn Tất Thành thực hành tại bệnh viện năm 2021. Ảnh: NTTU

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Đăng Diệu, thành viên Hội đồng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng đây "không phải là vấn đề lớn". Bởi môn Sinh trong chương trình THPT chỉ ở mức cơ bản, trong khi ở bậc đại học sẽ được đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu. Nếu thí sinh có nền tảng tư duy toán, logic tốt, có thể học tốt kiến thức Sinh học bậc cao.

Ông Diệu ủng hộ đa dạng hóa tổ hợp tuyển sinh vào Y khoa nói riêng, khối Khoa học sức khỏe nói chung; trong đó, các trường cần chú trọng Tiếng Anh bởi sinh viên giỏi môn này có lợi thế hơn khi đọc được sách, báo khoa học nước ngoài.

"Điều quan trọng trong tuyển sinh là phải công bằng. Các trường phải tuân thủ quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ hợp tuyển sinh được công bố từ đầu và đảm bảo công khai, minh bạch", ông Diệu nói.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo trường, khoa thuộc khối Y Dược cho rằng không thể bỏ Sinh học trong thi tuyển đầu vào ngành Y. Lãnh đạo khoa Y của một đại học phía Nam cho biết, ngành Y khoa với các môn giải phẫu, sinh lý, vi sinh, giải phẫu bệnh, sinh lý bệnh... đều cần kiến thức Sinh học.

"Đồng ý là môn Sinh bậc THPT chỉ là kiến thức phổ thông, khác xa kiến thức chuyên ngành ở đại học. Nhưng những hiểu biết này là nền tảng, tạo tiền đề để học tốt, không hề vô ích nếu đưa vào điều kiện đầu vào", người này cho biết.

PGS.TS Phùng Minh Lương, Trưởng khoa Y, Đại học Tây Nguyên cũng đồng tình phải có môn Sinh, bởi bác sĩ là người chẩn đoán, điều trị, tức làm việc trực tiếp đến cơ thể con người. "Đưa môn học này vào tuyển sinh thì khả năng tuyển được thí sinh giỏi, phù hợp sẽ cao hơn", ông Lương nói.

Một tiết học tại Đại học Y Dược TP HCM năm 2017. Ảnh: Mạnh Tùng

Ở góc nhìn của giáo viên phổ thông, thầy Đinh Đức Hiền, giảng dạy Toán - Sinh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội), cho rằng môn Sinh là cần thiết với ngành Y.

Quan sát việc đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT, thầy Hiền nhận thấy tổ hợp mà học sinh chọn để xét tuyển đại học là môn các em thích và làm bài tốt nhất. Do đó, nếu không chọn tổ hợp có môn Sinh để thi, nhiều khả năng các em không thích hoặc không học tốt môn này.

"Học Y khoa không phải trong bốn năm như các ngành khác mà kéo dài sáu năm, thậm chí lâu hơn nữa. Nếu không có sẵn nền tảng Sinh học từ bậc THPT hoặc chí ít là niềm đam mê với môn này, sinh viên sẽ rất chật vật ở bậc đại học", thầy Hiền nêu.

Theo thầy Hiển, việc mở rộng đầu vào bằng cách tăng tổ hợp xét tuyển sẽ giúp đại học dễ tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng lâu dài khó đảm bảo chất lượng. "Việc thay đổi này chưa hẳn là tốt cho Y khoa, một ngành cần sự chọn lựa chính xác, ổn định", thầy Hiền nói./.

Nguồn: vnexpress.net