Tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới: Hiện tượng "đoán đề" chỉ còn là quá khứ?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới: Hiện tượng "đoán đề" chỉ còn là quá khứ?

Dù chưa công bố phương án thi mới, song Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học tới.

Đề thi lớp 10 mang "diện mạo" mới

Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên học sinh lớp 9 học chương trình, sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các em cũng là lứa học sinh đầu tiên tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026 theo chương trình mới.

Tại Hà Nội, dù chưa công bố phương án thi mới, song Sở GD&ĐT đã công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học tới, Hà Nội mới đưa tin.

Theo đó, đề thi minh hoạ gồm các môn Toán, ngữ văn, tiếng Anh, tin học, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, giáo dục công dân. Trong số 7 môn này, có 2 môn thi theo hình thức tự luận là toán và ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút/môn; 5 môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/môn.

Năm 2025, học sinh lớp 9 thi tuyển lớp 10 theo Chương trình mới. Ảnh: Giáo dục & Thời đại

Năm 2025, học sinh lớp 9 thi tuyển lớp 10 theo Chương trình mới. Ảnh: Giáo dục & Thời đại

Điểm mới đáng lưu ý là ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn (cho 4 phương án, chọn 1 phương án đúng - dạng thức đã quen thuộc với học sinh), các môn thi trắc nghiệm ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới như trắc nghiệm đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, học sinh chọn đúng hoặc sai ở từng ý); dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn (học sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình).

"Không có chuyện ăn may vẫn có điểm"

Thông tin trên tờ Kiến thức, đề thi minh họa mà Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cho thấy, có sự tăng cường các bài toán thực tế ở cả phần đại số.

Điều này phản ánh đúng định hướng của chương trình giáo dục mới, tập trung nhiều hơn vào việc kiểm tra khả năng ứng dụng kiến thức và tư duy tổng hợp của học sinh. Cách ra đề mới cũng đòi hỏi thí sinh vừa phải nắm chắc kiến thức vừa phải chắc kỹ năng làm bài.

Trên tất cả, kể từ năm 2025, học sinh không còn "tủ" để ôn thi môn Ngữ văn. Hiện tượng "đoán đề" sẽ chỉ còn là quá khứ vì ngữ liệu đề văn sẽ không được lấy từ sách giáo khoa nữa.

Để có thể làm được bài thi với những ngữ liệu hoàn toàn mới mẻ, thí sinh buộc phải nắm chắc đặc trưng các thể loại, ghi nhớ và nắm vững kiến thức về tiếng Việt, có kĩ năng đọc hiểu tốt.

Học sinh Hà Nội thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024.

Học sinh Hà Nội thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. 

Nhận xét về đề minh họa thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2025 chương trình mới, báo Dân Việt dẫn lời thầy Bùi Công Kiều, giáo viên Tuyển sinh 247 cho biết: "Đề có sự phân hóa khá rõ, những học sinh nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa sẽ có thể có được trên 7 điểm trong kỳ thi.

Đề thi đi đúng theo chương trình năm 2018. Học sinh tránh học mẹo, học tủ, không có chuyện ăn may là có thể được điểm cao. Những học sinh muốn đạt trên 8 điểm cần chăm chỉ học tập, ngoài ra cần có kiến thức về xã hội và thời sự".

Cô Đinh Thị Hương, giáo viên Văn ở Hà Nội nhận xét: "Đề minh họa bám sát kiến thức trong chương trình. Bám sát chuẩn đầu ra chương trình năm 2018, tránh tình trạng học vẹt, học tủ; bám sát tinh thần đề thi THPT; chú trọng vào hiểu biết của học sinh về những vấn đề gần gũi nhưng vẫn mang tính thời sự cao. Nội dung câu hỏi xoay quanh các kĩ năng đọc - viết, kỹ năng cảm thụ.

Với sự thay đổi về hình thức ra đề sẽ là thách thức với học sinh THCS khi làm bài trong thời gian 120 phút nhưng đồng thời cũng giúp phân hóa học sinh"./.

Nguồn: Thủy Tiên/doisongphapluat.com.vn