Từ 1/7, làm thẻ căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi cần cung cấp thông tin gì?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Từ 1/7, làm thẻ căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi cần cung cấp thông tin gì?

Luật Căn cước mới số 26/2023/QH15 chính thức có hiệu lực từ 1/7. Theo quy định mới, trẻ em dưới 6 tuổi cũng có thể được làm thẻ căn cước nếu có nhu cầu. Vậy với đối tượng này, cần cung cấp thông tin gì để làm thẻ căn cước?

Theo Luật Căn cước mới số 26/2023/QH15 được Quốc hội thông qua, kể từ ngày 01/7/2024, đối tượng được cấp thẻ Căn cước gồm:

  • Người bắt buộc phải làm thẻ Căn cước: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Sau đó, đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi, công dân Việt Nam phải thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước.

  • Người được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi.

Trong khi đó, theo Điều 19 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13, chỉ cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

Mặt trước của mẫu căn cước mới được Bộ Công an đề xuất áp dụng cho người từ 0 đến 6 tuổi.

Như vậy, theo Luật mới, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi sẽ được làm thủ tục làm Căn cước cho trẻ em từ ngày 01/7/2024 nếu có nhu cầu và từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

Căn cứ Điều 1 Luật Trẻ em 102/2016/QH13, đối tượng được xác định là trẻ em nếu có độ tuổi dưới 16.

Do đó, không phải mọi trẻ em đều phải cấp thẻ Căn cước mà chỉ có trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước, riêng trẻ em dưới 14 tuổi thì cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu.

Thủ tục làm Căn cước cho trẻ em từ ngày 01/7/2024

Do việc cấp thẻ Căn cước cho trẻ em được chia thành hai trường hợp:

  • Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Bắt buộc phải cấp thẻ Căn cước

  • Dưới 14 tuổi: Không bắt buộc phải cấp, chỉ cấp nếu có nhu cầu.

Tùy vào từng trường hợp, thủ tục cấp thẻ Căn cước cho hai đối tượng trẻ em nêu trên sẽ khác nhau.

- Người đề nghị cấp thẻ Căn cước: Theo Điều 23 Luật Căn cước, người đề nghị cấp thẻ Căn cước trong trường hợp này là người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi.

- Trình tự, thủ tục cấp với mỗi đối tượng sẽ khác nhau, cụ thể:

Với trẻ em dưới 6 tuổi

  • Trong trường hợp thông thường: Thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VNeID.

  • Khi trẻ dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh: Thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký khai sinh trên Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VNeID/trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Đối tượng này không phải thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

Với trẻ em từ đủ 06 - dưới 14 tuổi:

  • Đối tượng này đến trực tiếp cơ quan quản lý căn cước cùng với người đại diện hợp pháp để thực hiện các thủ tục thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

  • Việc thực hiện thủ tục do người đại diện hợp pháp thực hiện.

Lưu ý: Đối tượng này phải thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

Với trẻ em từ đủ 14 - dưới 16 tuổi

  • Bước 1: Được kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc chuyên ngành… để xác định chính xác đối tượng được cấp thẻ. Nếu chưa có thông tin thì sẽ được cập nhật.

  • Bước 2: Được thu thập đặc điểm nhân dạng, sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước.

  • Bước 3: Kiểm tra lại thông tin, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.

  • Bước 4: Nhận giấy hẹn trả kết quả thẻ Căn cước và có thể yêu cầu trả thẻ Căn cước ở địa điểm khác nếu có yêu cầu và trả phí dịch vụ chuyển phát.

- Thời hạn giải quyết: 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo Điều 26 Luật Căn cước năm 2023.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại Đều 25 Luật Căn cước công dân năm 2014, thời hạn được chia theo địa bàn như sau:

- Tại thành phố, thị xã:

  • Cấp mới và cấp đổi: Không quá 7 ngày làm việc.

  • Cấp lại: Không quá 15 ngày làm việc.

- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo: Không quá 20 ngày áp dụng cho tất cả các trường hợp.

- Tại các khu vực còn lại: Không quá 15 ngày cho tất cả các trường hợp.

Bảo An/doisongphapluat.com