TPHCM muốn biến một nửa bán đảo Thanh Đa thành công viên rộng 200ha

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
TPHCM muốn biến một nửa bán đảo Thanh Đa thành công viên rộng 200ha

Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) rộng gần 427ha sẽ quy hoạch hệ thống công viên cây xanh tối thiểu 200ha, xây quảng trường và không gian công cộng gắn kết với khu vực sông Sài Gòn phục vụ tốt cho các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí của người dân.

 

Yêu cầu trên được đưa ra trong quyết định của UBND TPHCM về phê duyệt nhiệm vụ đề bài “Thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa”.

Yêu cầu chung được TPHCM đưa ra là quy hoạch xây dựng bán đảo Bình Quới - Thanh Đa thành khu đô thị sinh thái, bền vững và hiện đại. Nơi đây sẽ đóng vai trò là động lực phát triển mới của khu vực trung tâm Thành phố, có tính lan tỏa, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch kinh tế đô thị theo định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Yêu cầu cụ thể, về giải pháp quy hoạch đất, đề xuất các khu chức năng công cộng cấp đô thị bổ sung cho TPHCM, hướng đến đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Đề xuất các dịch vụ, các hoạt động văn hóa, đặc biệt lưu ý các hoạt động về đêm, các khu vực tổ chức các dịch vụ hoạt động về đêm nhằm tạo ra một khu đô thị hoạt động 24/7.

TPHCM muốn biến một nửa bán đảo Thanh Đa thành công viên rộng 200ha

Toàn cảnh bán đảo Thanh Đa rộng gần 427ha được bao quanh bởi sông Sài Gòn. Ảnh: Anh Tú

Quy hoạch hệ thống công viên, mảng xanh (tối thiểu 200ha, khuyến khích các phương án đề xuất mở rộng hơn nữa diện tích công viên cây xanh gắn với các giải pháp khai thác, tăng hiệu quả kinh tế) gắn kết với khu vực sông Sài Gòn phục vụ tốt cho các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí của người dân.

Đồng thời, quy hoạch quảng trường, không gian công cộng, công trình biểu tượng, bảo tàng lịch sử, văn hóa... mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc trưng của TPHCM.

Ban đảo Bình Quới - Thanh Đa hiện có hơn 16.600 người dân sinh sống. Ảnh: Anh Tú

Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa hiện có hơn 16.600 người dân sinh sống. Ảnh: Anh Tú

Về giải pháp tổ chức không gian cảnh quan, TPHCM yêu cầu đề xuất giải pháp kết nối về không gian kiến trúc cảnh quan với Khu đô thị Trường Thọ (TP Thủ Đức) và sông Sài Gòn. Hình thành các trục cảnh quan đô thị và không gian mở ấn tượng, hiện đại và có bản sắc. Đề xuất các công trình kiến trúc, tạo điểm nhấn, mang tính biểu tượng cho khu quy hoạch, trong đó có đề xuất một công trình bảo tàng đặc sắc cho TPHCM…

Về giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, TPHCM yêu cầu có giải pháp tổ chức giao thông kết nối với các khu vực đô thị có tiềm năng phát triển kế cận và khu trung tâm hiện hữu Thành phố. Tổ chức hệ thống giao thông công cộng (metro, xe buýt...), đường giao thông dành cho xe đạp, đi bộ thuận tiện và an toàn…

Về giải pháp quản lý, thực thi phát triển khu quy hoạch, TPHCM yêu cầu đề xuất kịch bản đầu tư phát triển đô thị đảm bảo tính khoa học đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế chung; tổ chức đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng phương án kêu gọi đầu tư, phát triển theo quy hoạch…

Giải pháp bố trí tái định cư cho người dân trong khu vực quy hoạch hiệu quả và có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu và quyền lợi của người dân; xác định quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội phù hợp theo quy định…

Bán đảo Thanh Đa vẫn là một vùng quê hẻo lánh dù cách trung tâm Quận 1 chỉ 15 phút đi xe. Ảnh: Anh Tú

Bán đảo Thanh Đa vẫn là một vùng quê hẻo lánh dù cách trung tâm Quận 1 chỉ 15 phút đi xe. Ảnh: Anh Tú

Cuộc thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch, kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ thông qua hai vòng. 5 đơn vị đủ năng lực và điều kiện vượt qua sơ tuyển sẽ vào vòng thi tuyển.

Giải thưởng cho cuộc thi này dự kiến lên tới triệu USD, nhằm thu hút những đơn vị có chuyên môn cao trong lĩnh vực tư vấn, quy hoạch kiến trúc, giúp đạt kết quả tốt nhất.

TPHCM trước đó dự kiến hoàn thành và công bố kết quả cuộc thi vào đầu tháng 3 năm nay nhưng kế hoạch tổ chức thi tuyển bị chậm trễ.

Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa rộng gần 427ha, cách trung tâm TPHCM khoảng 6,5km, được TPHCM phê duyệt và kêu gọi đầu tư từ năm 1992. Tuy nhiên đến nay dự án chưa được thực hiện do quy mô quá lớn, tổng vốn đầu tư cao, giải phóng mặt bằng phức tạp.

Khu vực này hiện có khoảng 5.000 hộ với hơn 16.600 người sinh sống. Dự án treo hơn 30 năm gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục nghìn hộ dân trong khu quy hoạch./.

Nguồn: Minh Quân/laodong.vn