Cầu đi bộ và cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn sẽ khởi công năm 2025, giúp tăng kết nối giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm với vùng xung quanh.
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
Dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, nối liền Quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) vừa được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phía Quận 1, cầu bắt đầu tại cầu bến số 2 của Công viên Bến Bạch Đằng, còn phía TP Thủ Đức sẽ nằm tại công viên bờ sông thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Phối cảnh cầu đi bộ và cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Vị trí xây cầu đi bộ. Ảnh: Anh Tú
Cầu đi bộ có tổng chiều dài khoảng 261m, với nhịp chính vòm treo dây văng dài 187m, dầm thép và mặt cắt ngang thay đổi từ 7 đến 11m. Tĩnh không thông thuyền (khoảng cách từ mực nước cao nhất tới gầm cầu) là 10m.
Phía Quận 1, cầu dẫn và ram dốc dài khoảng 285m, rộng 6m. Phía TP Thủ Đức sẽ có hai nhánh dẫn dài 290m và 165m.
Cầu đi bộ có thiết kế kiến trúc theo hình tượng lá dừa nước. Ảnh: Liên danh tư vấn
Cầu sẽ có một làn dành riêng cho xe đạp, đồng thời có thể sử dụng cho xe cứu thương tải trọng tối đa 3 tấn và một làn dành cho người đi bộ. Hai dải đường tiếp giáp lan can sẽ dành cho khách ngắm cảnh và các hoạt động chụp ảnh, nghỉ ngơi.
Giữa làn dành cho xe đạp và làn đi bộ là dải phân cách mềm có thể dễ dàng tháo lắp, nhằm chuyển đổi công năng phục vụ cho các sự kiện cộng đồng.
Cầu đi bộ sẽ có làn cho xe đạp, đi bộ. Ảnh: Liên danh tư vấn
Cầu được trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại, mái che, hệ thống thoát nước và các kết cấu tiện ích khác, giúp đảm bảo an toàn và tiện nghi cho người sử dụng.
Dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, toàn bộ chi phí sẽ do một doanh nghiệp tài trợ. Theo kế hoạch, cầu sẽ được khởi công vào năm 2025 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2027.
Cầu Thủ Thiêm 4
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với Quận 7, dự kiến khởi công vào ngày 30.4.2025 và hoàn thành năm 2028.
Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chiều dài 2,16km, trong đó phần cầu chính dài hơn 1,6km với 6 làn xe.
Điểm đầu của cầu nằm tại giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh (Quận 7), điểm cuối tại giao lộ trục Bắc Nam và đường Bùi Thiện Ngộ trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Vị trí xây cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Anh Tú
Khi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP Thủ Đức và các quận phía Nam như Quận 7, Quận 8, Nhà Bè và Bình Chánh. Cầu cũng giúp giảm áp lực trên các trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh.
Việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 đang gặp vướng mắc lớn về tĩnh không. Hiện có 5 phương án được nghiên cứu, gồm: tĩnh không cố định 10m, 15m, 45m; xây hầm chui; hoặc nhịp chính nâng hạ linh hoạt từ 15m-45m để cho phép tàu lớn qua lại.
Một thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng tĩnh không khi tàu lớn đi qua. Ảnh: Portcoast
Sở GTVT TPHCM đề xuất tĩnh không cầu 15m và có thể nâng lên 45m khi cần, vốn đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng. Nhưng tháng 8.2024, UBND TPHCM đã tham vấn Bộ GTVT và dự kiến chọn phương án tĩnh không cố định 15m, không còn giải pháp nâng hạ.
Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm việc với các bên liên quan, thành phố đã thống nhất phát triển cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành cảng tàu khách quốc tế, đòi hỏi phải xem xét lại phương án tĩnh không.
Sở GTVT đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc cập nhật quy hoạch cảng này vào hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM để xác định tĩnh không phù hợp cho cầu Thủ Thiêm 4./.
Nguồn: Minh Quân/laodong.vn