Tọa lạc gần đại lộ Mai Chí Thọ, thuộc vùng "đất vàng" của khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhìn từ xa, các tòa nhà thuộc dự án tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) sừng sững, bề thế. Nhưng bên trong là một khung cảnh hoàn toàn khác.
Gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang, xuống cấp
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, các tòa nhà trong khu tái định cư Bình Khánh đang bị xuống cấp, dù được xây dựng rất khang trang, hiện đại. Ở phía ngoài, nhiều mảng tường bong tróc, mạng nhện và bụi phủ kín mặt tường.
Một góc khu tái định cư phường Bình Khánh, TP Thủ Đức bị hoang phế.
Về vị trí và kết nối giao thông, khu tái định cư này không có điểm trừ. Nơi này chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 6km, giao thông kết nối các quận, huyện khác, cũng như vào cao tốc TP.HCM - Long Thành rất thuận lợi. Bên cạnh đó, kinh tế khu vực này cũng đang phát triển, nhiều cơ hội việc làm. Do đó, hàng ngàn căn hộ bị bỏ hoang khiến nhiều người tiếc nuối.
Tương tự, tại khu tái định cư ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM - nơi từng kỳ vọng là chốn an cư cho hàng ngàn hộ dân thuộc dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng đang xuống cấp trầm trọng vì không có người ở. Vì cách quá xa trung tâm thành phố (khoảng gần 20km), kết nối giao thông khu vực hạn chế nên dù đã đưa vào sử dụng từ năm 2010, nơi đây vẫn còn cả ngàn căn hộ bị bỏ trống.
Theo quan sát, những căn có người ở được chăm sóc, bảo trì nên khá sạch sẽ, tươm tất. Ngược lại, ở những căn chưa có người ở đã nhuốm màu thời gian, các bức tường loang lổ. Một số căn hộ bị vỡ kính, mảnh vỡ văng khắp nơi.
Khu tái định cư Bình Khánh và Vĩnh Lộc B là 2 trong số 85 chung cư, cụm chung cư thuộc sở hữu Nhà nước chưa bố trí cho người dân tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Hiện tổng số căn hộ tái định cư đang bị bỏ trống lên đến 8.948 căn.
Dân không mặn mà
Chiều 17/5, cơn mưa bất chợt đổ xuống khiến bà Trần Thị Huệ (68 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) vội vã cầm theo xấp vé số chạy lại quán nước ở chợ Bình Khánh tránh mưa. Quán nước nhỏ này là nơi gần 20 năm qua bà thường lui tới. Ở đây, bà có người bạn là hàng xóm cũ trước khi di dời do giải phóng mặt bằng ở khu Thủ Thiêm.
Người dân khu tái định cư Vĩnh Lộc B bên bức tường hoen ố do thấm nước .
Bà Huệ cho biết, hiện bà đang sống trên đường Nguyễn Duy Trinh, cách phường Bình Khánh khoảng 10km. Dù vậy, phần vì quen với địa bàn cũ, phần vì để lui tới gặp những người bạn nên đều đặn mỗi ngày, bà đều lên đây bán vé số.
Bà kể, năm 2005 bà nhận bồi thường giải phóng mặt bằng. Thời điểm đó, người dân được lựa chọn nhận tiền bồi thường hoặc nhận căn hộ tái định cư. Phần vì tiền bồi thường ít, không đủ để mua căn hộ, phần vì nhiều người làm nghề tự do, muốn ở nhà mặt đất để thuận tiện làm ăn, nên ít chọn phương án nhận căn hộ.
"Lúc đó, tôi chẳng biết chung cư bố trí tái định cư ở đâu, rồi sống ở chung cư thế nào, làm gì kiếm sống… nên tôi nhận tiền. Tiền bồi thường của tôi nhận theo 3 đợt, kéo dài từ năm 2005 - 2009. Nhà đông người, đồ đạc nhiều, nếu nhét cả vào một căn chung cư cũng khó sống nên phải đi xa một chút để mua nhà", bà Huệ nói.
Tương tự, bà Tư (72 tuổi) cho biết, bà chỉ nhận được khoảng 20 triệu đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Với số tiền này, bà không thể mua căn hộ tái định cư, nên đã đi thuê một mặt bằng nhỏ để buôn bán. Sau này, gia đình bà trả góp một căn chung cư với giá 700 triệu đồng để ở.
"Nhìn hàng ngàn căn chung cư bỏ hoang mà thấy xót ruột quá. Biết bao nhiêu người dân phải di dời vì giải phóng mặt bằng giờ vẫn đang không có chỗ ở đàng hoàng. Vậy mà, có đến hàng ngàn căn hộ bỏ không hơn chục năm nay. Phải chi giá căn hộ tái định cư phù hợp, chắc nhiều người sẽ lựa chọn để ở", bà Tư thở dài.
Tiến thoái lưỡng nan
Tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B, rất nhiều người dân sinh sống ở đây chán nản vì chỗ ở quá xa, giao thông không thuận tiện, khu vực xung quanh ít người ở, ít việc làm. Chị Tuyết Hoa, người dân thuộc dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được bố trí ở tại đây cho biết, trước đây, chị là giáo viên mầm non tại quận Tân Phú. Sau khi chuyển về khu tái định cư, chị phải bỏ việc vì đường đi quá xa.
Hàng chục tòa nhà với nhiều căn hộ trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B xuống cấp vì không có người ở.
Trường hợp anh Hưng, người dân dọn về khu tái định cư được 13 năm cho biết, đến nay vẫn chưa kiếm được việc làm. Nguyên nhân vì khu tái định cư quá vắng vẻ, heo hút, phải đi thật xa may ra mới có việc làm. "Tôi cũng đi kiếm việc nhiều nơi, gần không có, xa thì bất tiện quá. Hiện tôi ở nhà đưa đón con đi học, lâu lâu ai gọi gì làm đó, nhưng cũng ít", anh Hưng nói.
Dù vậy, điều khiến anh Hưng bức xúc hơn cả, đó chính là nhà cửa xuống cấp rất nhanh. Chuyển vào ở được vài năm thì các căn hộ đều bị thấm nước, rỉ nước từ trên; tường, nền nhà bong tróc, nứt nẻ; hệ thống phòng cháy chữa cháy cũ kỹ không được kiểm tra, thay thế…
Anh Lư Quốc Cường, người dân tại đây cho biết, nhiều người không kiếm được việc làm cũng phải cho thuê lại hoặc bán căn hộ để chuyển đi nơi khác. "Tôi cũng đang rất nản, muốn chuyển đi nhưng với số tiền bán căn hộ chỉ khoảng 1 tỷ đồng thì rất khó khăn. Nói chung tiến thoái lưỡng nan", anh Cường nói.
Sẽ đấu giá 4.900 căn hộ
Chia sẻ tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, ngoài số lượng gần 9.000 căn hộ tái định cư đang bỏ trống, TP.HCM còn có hơn 2.100 nền đất tái định cư có tình trạng tương tự.
TP đã có chủ trương đấu giá hơn 4.900 căn hộ và 42 nền đất tái định cư ở khu tái định cư phường Bình Khánh (TP Thủ Đức) và khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn tất các thủ tục đấu giá.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ dành ra khoảng 5.400 căn hộ và nền đất để phân bổ cho các dự án tái định thuộc dự án đầu tư công. Hiện tại, Sở Xây dựng đang phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các thủ tục pháp lý, tổ chức đấu giá quỹ nhà đã có chủ trương./.
Nguồn: Mỹ Quỳnh/baogiaothong.vn