Theo chu kỳ trong thời gian 4 - 5 năm, sởi sẽ lây lan thành dịch một lần nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong năm 2024 là rất cao.
Theo báo Tiền Phong, ngày 12/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh sởi.
Các ca bệnh tập trung chủ yếu tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn. Số bệnh nhân mắc sởi tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi.
Hồi cuối tháng 5/2024, thành phố chỉ ghi nhận 2 trường hợp nhưng trong 2 tuần đầu tiên của tháng 6/2024, bệnh sởi xuất hiện ngày càng nhiều.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc HCDC chia sẻ, qua điều tra dịch tễ, các trường hợp nhiễm bệnh đều chưa được tiêm vaccine ngừa sởi. Nguyên nhân trẻ chưa được tiêm phòng là do gia đình bận hoặc trẻ thường xuyên bị bệnh.
Trong khi đó, TS.BS Phan Tứ Quí - Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho hay, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra.
Bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp. Một số ít trường hợp lây qua dịch tiết, ghèn mắt. Trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là nhóm dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh sởi ở mức cao.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đang khám cho bé 8 tháng tuổi mắc bệnh sởi. Ảnh: VietNamNet
Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vaccine sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, năm 2019 cả nước đã xảy ra đợt bùng phát dịch sởi. Theo chu kỳ trong thời gian 4 - 5 năm, sởi sẽ lây lan thành dịch một lần nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong năm nay là rất cao.
Trước tình hình dịch sởi có nguy cơ bùng phát, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành kế hoạch tiêm bù vaccine nhằm tăng tỷ lệ bao phủ phòng bệnh và giám sát phát hiện ca bệnh để khoanh vùng, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Được biết, tính tới hết tháng 4, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa sởi đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng ở TP.HCM chưa đạt 95% để có thể tạo miễn dịch cộng đồng.
Nguyên nhân là do tình trạng gián đoạn cung ứng nhiều loại vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng trong các năm 2022-2023. Ngoài ra, nhiều phụ huynh vẫn lơ là việc tiêm phòng cho trẻ.
VietNamNet dẫn lời bà Lê Hồng Nga cho biết, ngành y tế đang tích cực phối hợp với ngành giáo dục chủ động rà soát tình trạng tiêm chủng của trẻ, tập trung vào các nhóm trẻ gia đình để không bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khuyến cáo gia đình có trẻ mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, tiểu đường, bệnh huyết học… cần được tiêm phòng đầy đủ vì đây là nhóm nguy hiểm nếu bị sởi.
Những trẻ dưới 9 tháng tuổi có thể mắc bệnh do lây từ người lớn hoặc không nhận được kháng thể từ mẹ. Do vậy, bác sĩ Quy khuyên các bà mẹ mang thai nên tiêm vaccine ngừa sởi.
Bên cạnh đó, người dân cần phòng bệnh bằng biện pháp đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ môi trường thông thoáng, không tiếp xúc với người nghi mắc bệnh./.
Nguồn: Đinh Kim/doisongphapluat.com