TP.HCM đề xuất giải pháp gỡ vướng để tăng cường năng lực ngành y tế

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
TP.HCM đề xuất giải pháp gỡ vướng để tăng cường năng lực ngành y tế

Sau 20 thực hiện theo nghị định 43 năm 2006 và nghị định 60 năm 2021, 78 đơn vị sự nghiệp của ngành y tế TP.HCM đều đã được giao tự chủ tài chính, trong đó có 50 bệnh viện công lập. Tự chủ tài chính mang lại nhiều cái lợi như tăng công suất sử dụng bệnh viện, tăng thu nhập cho nhân viên y tế, tiết kiệm được hàng tỷ đồng ngân sách mỗi năm của thành phố. Tuy nhiên, chỉ sau đợt bùng phát dịch bệnh covid -19 năm 2021, cơ chế này đã bộc lộ những điểm yếu cho thấy chưa có được sự bền vững, công bằng và công khai.

Bất cập giá

Trong buổi khảo sát của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về Thực hiện cơ chế tự chru và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế với 25 giám đốc bệnh viện công lập trên địa bàn, Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc bệnh viện Hùng Vương TP.HCM đưa ra ví dụ quy định giá thuốc để minh chứng cho bất cập của cơ chế tự chủ tài chính. “Giá thuốc hiện nay rất là bất cập, mua vào bao nhiêu thì để lại cho bệnh nhân y như vậy. Trong khi đó quy trình cung ứng thuốc  tại các bệnh viện đòi hỏi nhiều thứ. Như ở bệnh viện Hùng Vương thì thuốc được chuyển tới tận tay bệnh nhân trước khi xuất viện. Như vậy thì công của nhân viên chia thuốc từ kho, đóng gói, ghi hướng dẫn là hoàn toàn miễn phí, chưa kể thuốc lữu trữ trong kho cũng tốn kém, hư hao, mà hoàn toàn không có một chi phí nào hết. Vì vậy nó rất bất cập đối với những cơ sở tự chủ tài chính, bệnh viện toàn phải bù lỗ”.

 

Giá thuốc chỉ là một phần trong những bất cập làm ảnh hưởng đến nguồn thu, một phần quan trọng đối với cơ sở y tế tự chủ tài chính. Theo Sở Y tế TP.HCM, mức giá thu từ việc khám chữa bệnh chỉ mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí, chưa có khấu hao, duy tu, sửa chữa tài sản, chi phí quản lý, nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, 40 -50% nguồn thu của các bệnh viện công lập là đến từ chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, nguồn thu này càng lớn, tức càng có đông bệnh nhân thì bệnh viện càng thiếu hụt kinh phí hoạt động. Bệnh viện thiếu hụt kinh phí, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nhân viên y tế. Nếu năm 2020 TP.HCM có 5 đơn vị không có thu nhập tăng thêm, thì con số này năm 2021 là 13 đơn vị và chỉ 6 tháng đầu năm 2022 đã là 34 đơn vị. Đây chính là 1 trong những nguyên nhân khiến nguồn nhân lực y tế thành phố lâm vào tình trạng mất ổn định.

Ban hành giá thu khám chữa bệnh đúng, đủ vì thế sẽ là cơ sở không chỉ cho cơ chế tự chủ tài chính vốn đã được thực hiện tại TP.HCM qua nhiều bước từ 20 năm nay, mà còn là cơ sở để giải quyết một vấn đề lớn hơn nữa, đó là huy động nguồn lực từ xã hội để tăng cường năng lực cho ngành y tế. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phó giáo sư – tiến sĩ Tăng Chí Thượng dùng hình tượng 1 chuyến bay để nói về vấn đề xã hội hóa y tế. Theo ông Thượng, không thể để người nghèo đi máy bay cũ, còn người giàu thì đi máy bay mới. Tất cả mọi người khi mua vé sẽ cùng được lên chiếc máy bay mới như nhau, nhưng sẽ có những hạng ghế khác nhau. Xã hội hóa chính là để cung ứng dịch vụ, tiện ích đáp ứng yêu cầu của những người có khả năng tài chính, nhưng mặt bằng chung trong chăm sóc sức khỏe thì chất lượng cơ bản phải như nhau.

Tự chủ tài chính nhưng chưa tự chủ bộ máy

Tự chủ tài chính với cơ sở y tế từ 20 năm vốn chỉ được thực hiện theo các nghị định như nghị định 43 năm 2006 và nghị định 60 năm 2021. Nay với việc bổ sung 1 chương vào Luật khám chữa bệnh sửa đổi, việc luật hóa được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc tồn tại lâu nay. Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc bệnh viện Hùng Vương TP.HCM nói vui tuyển dụng thì dễ nhưng cho nghỉ việc thì khó. Bởi bệnh viện được giao tự chủ tài chính nhưng lại chưa được tự chủ về bộ máy. Thêm vào đó, các quỹ tái đầu tư, phát triển do bệnh viện lập ra nhưng để lấy được nguồn tiền này cho đúng mục đích như tên gọi thì lại vô cùng khó khăn, vì đây được xem là ngân sách.

Nhiều giám đốc bệnh viện công lập TP.HCM đều cho rằng trách nhiệm được giao rất nhiều nhưng quyền được quyết thì lại không tương xứng. Đơn cử như việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Việc đấu thầu thường tốn 3 - 4 tháng mới hoàn tất, trong khi lãnh đạo bệnh viện vốn là người làm chuyên môn nên gặp nhiều khó khăn để hoàn tất các thủ tục theo quy định. Chưa kể quy định đấu thầu không yêu cầu kê khai giá hải quan, nhưng khi đấu thầu có vấn đề thì đây lại là yếu tố căn cứ chính để xử lý. Vì vậy, có ý kiến đề xuất bỏ quy định đấu thầu hoặc giãn cách thời gian đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế lên 2 năm thay vì làm hàng năm như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, ngoài những đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khám chữa bệnh, với việc TP.HCM sẽ được tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù theo nghị quyết 54 của Quốc hội đến hết năm 2023, ngành y tế thành phố cũng cần chủ động đề xuất phân cấp, phân quyền để y tế thành phố chủ động tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền mà không cần chờ Bộ Y tế./.

Bài và ảnh: Bích Thủy/kenhcongdong.com