Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định không xem xét lại Điều 230, được coi là "tấm khiên pháp lý" để miễn trừ trách nhiệm của nền tảng mạng xã hội với nội dung người dùng đăng tải.
Một điều khoản pháp lý của Mỹ, Điều 230 trong đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (hay Communications Decency Act), từ lâu đã là “tấm khiên” vững chắc cho các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, Google hay các trang thông tin như Wikipedia, Reddit.
Điều 230 nói rằng các công ty không thể bị kiện về nội dung có hại do người dùng đăng tải, với điều kiện họ gỡ bỏ nội dung có hại hoặc bất hợp pháp khi phát hiện ra.
Điều 230 giúp bảo vệ các gã khổng lồ công nghệ đã không bị xem xét lại trong các vụ án liên quan. Ảnh: AP.
Phán quyết né tránh câu hỏi khó về Điều 230
Đây là vấn đề chính trong vụ Gonzalez kiện Google. Gia đình của một thanh niên Mỹ 23 tuổi thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở Paris năm 2015 kiện Google, công ty sở hữu YouTube, vì đã đề xuất các video liên quan đến nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết về một tranh chấp khác có liên quan - một người đàn ông Jordan bị giết trong một cuộc tấn công của IS ở Istanbul vào năm 2017. Người thân của anh này, là công dân Mỹ, kiện Twitter, Google và Facebook vì đã hỗ trợ và tiếp tay cho nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng vi phạm luật liên bang.
Vấn đề trong vụ kiện này là liệu các công ty có phải chịu trách nhiệm pháp lý theo Đạo luật chống khủng bố của Mỹ hay không. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết ngày 18/5 rằng theo luật, các gia đình không thể kiện các công ty này, nên không cần phải quyết định liệu các công ty mạng xã hội lớn có thể đưa Điều 230 ra để bào chữa hay không.
Beatrice Gonzalez và Jose Hernandez, mẹ và cha dượng của Nohemi Gonzalez trong vụ kiện Google. Ảnh: AP.
Tòa án cho rằng việc Twitter lưu trữ bài phát biểu khủng bố không tạo ra trách nhiệm pháp lý gián tiếp đối với các cuộc tấn công khủng bố cụ thể. Phán quyết này được coi là một thất bại lớn đối với các nhà phê bình công nghệ, với lập luận rằng các nền tảng truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm, theo CNN.
“Chúng tôi kết luận rằng các cáo buộc của nguyên đơn là không đủ để chứng minh các bị cáo này đã hỗ trợ và tiếp tay cho IS thực hiện vụ tấn công có liên quan", Thẩm phán Clarence Thomas viết.
Ông nhấn mạnh rằng các cáo buộc của nguyên đơn "không thể chứng minh rằng các bị cáo cố tình cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể nào" cho cuộc tấn công được đề cập trong vụ án. Các công ty cũng không hỗ trợ cho IS, vì theo cách này, họ phải chịu trách nhiệm cho mọi cuộc tấn công của IS.
Quyết định của tòa án trong vụ này, Taamneh kiện Twitter, có ý nghĩa giải quyết cả 2 vụ và cho phép các thẩm phán bỏ qua những câu hỏi khó về phạm vi của Điều 230, theo New York Times. Tòa án Tối cao đã trả lại vụ Gonzalez kiện Google cho tòa phúc thẩm “để xem xét khiếu nại của nguyên đơn theo quyết định mới về vụ Twitter”.
Lá chắn của Facebook, Twitter
Điều 230 là yếu tố pháp lý không thể thiếu đằng sau sự phát triển của các mạng xã hội khổng lồ như Facebook và Twitter, giúp các công ty không phải chịu trách nhiệm pháp lý với mọi bài đăng và bình luận. Nếu điều luật này bị xem xét lại, các nền tảng phải đối mặt với các vụ kiện tuyên bố rằng họ đã hướng người dùng đến các bài đăng và video cổ vũ chủ nghĩa cực đoan, kích động bạo lực.
Một nhóm các nhà lập pháp, học giả và nhà hoạt động lưỡng đảng ngày càng tỏ ra hoài nghi về Điều 230, cho rằng điều luật này đã bảo vệ các công ty công nghệ khổng lồ khỏi những hậu quả đối với thông tin sai lệch, phân biệt đối xử và nội dung bạo lực lan truyền trên nền tảng của họ.
Điều 230 trong đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông từ lâu đã gây tranh cãi khi được cho là “kim bài miễn tử” của các nền tảng mạng xã hội khỏi trách nhiệm pháp lý. Ảnh: Wall Street Journal.
Một lập luận mới trong những năm gần đây cho rằng các nền tảng sẽ mất quyền miễn trừ khi thuật toán gợi ý của họ phân phối nội dung, nhắm mục tiêu đến từng người dùng. Các công cụ đề xuất này giữ vai trò quyết định trong việc người dùng sẽ xem được các nội dung nào trên nền tảng. Tuy nhiên đến nay các thẩm phán Mỹ đã bác bỏ lập luận này. Các thành viên của Quốc hội Mỹ cũng đã kêu gọi thay đổi luật, tuy nhiên không đạt được nhất trí giữa các bên.
Các thành viên đảng Cộng hòa, tức giận trước việc các công ty công nghệ xóa bài đăng của các chính trị gia và nhà xuất bản cánh hữu, muốn các nền tảng hạn chế gỡ nội dung. Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn các nền tảng gỡ bỏ nhiều nội dung hơn, chẳng hạn như thông tin sai lệch./.
Nguồn: Hoàng Nam/zingnews.vn